Tổng cục Đường bộ sẽ tách thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam?

Một số ý kiến cho rằng việc sắp xếp lại Tổng cục đường bộ Việt Nam theo hướng chia tách riêng quản lý đường bộ thành quản lý quốc lộ và quản lý đường bộ cao tốc sẽ dẫn tới sự trùng lắp, chồng chéo…

Bộ GTVT vừa gửi tờ trình Dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT. Trong đó, đáng chú ý là đề xuất tổ chức lại Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam.

tong-cuc-duong-bo-se-tach-thanh-cuc-duong-bo-va-cuc-duong-bo-cao-toc-viet-nam-1655347936.jpg
Tổng cục Đường bộ sẽ tách thành Cục Đường bộ và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam?

Được thành lập năm 2013, Cục Quản lý đường bộ cao tốc có chức năng tham mưu cho Tổng cục trưởng thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về đường bộ cao tốc.

Tuy nhiên, đến năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 35/2018/QĐ - TTg về quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ GTVT theo hướng tinh gọn lại bộ máy, tổ chức của cơ quan quản lý nhà nước về đường bộ, chấm dứt sự tồn tại của Cục Quản lý đường bộ cao tốc chỉ sau 5 năm hoạt động.

Quyết định trên được cho là đúng đắn khi theo đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc sáp nhập các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng giúp gọn nhẹ bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, trùng lặp trong quản lý công việc.

Kinh nghiệm các nước trên thế giới có mạng lưới giao thông phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…những nước này cũng không thành lập cục đường cao tốc riêng mà chỉ có cục đường bộ quản lý vận hành.

Theo tờ trình của Bộ GTVT, lý do tách Tổng cục ĐBVN thành 2 Cục là Đường bộ Việt Nam và Cục Đường bộ cao tốc Việt Nam là do ý kiến của Bộ Nội vụ cho rằng, Tổng cục ĐBVN chưa đáp ứng các tiêu chí thành lập Tổng cục (do có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã). Tuy nhiên, tờ trình này cũng nêu rằng sau khi tổ chức lại, cơ bản Cục đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục ĐBVN hiện nay.

Việc thành lập một Cục riêng quản lý một phần trong hệ thống đường bộ là không cần thiết, đi ngược với tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Việc sắp xếp lại Tổng cục đường bộ theo hướng chia tách riêng quản lý đường bộ thành Cục đường bộ Việt Nam (quản lý các tuyến quốc lộ) và Cục đường bộ cao tốc Việt Nam (quản lý các tuyến cao tốc) sẽ có sự trùng lắp, chồng chéo; chưa đảm bảo nguyên tắc “một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Ngoài ra, hệ thống đường cao tốc hiện nay cũng có rất nhiều đoạn đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, nếu đề xuất của Bộ GTVT được phê duyệt, các doanh nghiệp BOT sẽ rơi vào tình trạng “một cổ 2 tròng”, chịu sự quản lý từ 2 cơ quan tương đương. Điều này sẽ gây không ít khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Được biết, hiện nay, đường cao tốc đang khai thác khoảng 1.227km, trong đó Tổng cục ĐBVN quản lý bảo trì trực tiếp 194km trên chính tuyến và đường dẫn, 32km đường nhánh (4 tuyến cao tốc), còn lại 1.033km là đường BOT đầu tư, kinh doanh khai thác và đường cao tốc địa phương quản lý.

Năm 2022, vốn sự nghiệp kinh tế đường bộ bố trí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc do Tổng cục ĐBVN quản lý là 257 tỷ đồng. Nếu Cục Đường bộ cao tốc Việ Nam được thành lập thì thì công việc quản lý sẽ ít, gây lãng phí nguồn lực./.