Toàn cảnh Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Với Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm. Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi vĩ đại đưa dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Hành trình tới ngày độc lập

cach-mang-thang-tam-nam-1945-su-kien-lich-su-dan-toc-viet-nam-1660877296.jpg
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sự kiện lịch sử dân tộc Việt Nam (Ảnh tư liệu: Báo Đảng Cộng sản)

- Đầu năm 1945, giữa phát xít Nhật và thực dân Pháp xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Tới ngày 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Đây là thời cơ nghìn năm có một, tạo những điều kiện làm chín muồi nhanh chóng thời cơ cách mạng ở Đông Dương, đặt Đông Dương vào thời kỳ “tiền khởi nghĩa” và nhiệm vụ của Đảng lúc này là phát động cao trào kháng Nhật cứu nước, lãnh đạo toàn dân gấp rút chuẩn bị sẵn sàng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

- Ngày 14/8/1945-18/8/1945: Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái, hầu hết các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Khánh Hoà, Quảng Ngãi lần lượt nổi dậy giành chính quyền.

- Ngày 16/8/1945-17/8/1945: Quân giải phóng tấn công thị xã Thái Nguyên và thị xã Tuyên Quang.

- Tối 19/8/1945: Chúng ta giành chính quyền ở Thủ đô Hà Nội.

- Ngày 23/8/1945: Biểu tình thị uy tại Huế. Chính phủ cách mạng lâm thời gửi điện đòi Bảo Đại thoái vị.

- Ngày 24/8/1945-28/8/1945: Khởi nghĩa giành chính quyền Hà Nam, Lạng Sơn, Phú Thọ, Quảng Ninh, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các tỉnh miền Nam đều đồng loạt được giải phóng.

- Sáng 25/8/1945: Khởi nghĩa giành chính quyền Sài Gòn.

- Ngày 28/8/1945: Khởi nghĩa giành chính quyền 2 tỉnh còn lại Đồng Nai Thượng và Hà Tiên.

- Chiều 30/8/1945: Vua Bảo Đại đọc chiếu thoái vị, nộp ấn kiếm cho chính phủ cách mạng lâm thời.

Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) được thành lập với chỉ 34 thành viên. Đến ngày 17/8/1945, đã có 450 người tấn công thị xã Thái Nguyên giành chính quyền. Ngày tổng khởi nghĩa, hơn 20 triệu người dân trên khắp cả nước đồng lòng cùng chính quyền Cách mạng đứng lên khởi nghĩa giành độc lập.

Khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

toan-canh-cach-mang-thang-tam-nam-1945-1660879129.jpg
Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôc Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản Tuyên ngôn độc lập trở thành giá trị tinh thần to lớn, làm nên sức mạnh của lớp lớp thế hệ người Việt Nam.

Bản tuyên ngôn lịch sử có những câu bất hủ: "Hỡi đồng bào cả nước, Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Lễ đài (kỳ đài) trong sự kiện ngày 2/9/1945 sử dụng vật liệu chủ yếu là gỗ và vải. Đặc biệt, công trình được thực hiện chỉ trong vòng 1 ngày, từ sáng 1/9/1945 – rạng sáng 2/9/1945. Người thiết kế là KTS. Ngô Huy Huỳnh, họa sĩ chịu trách nhiệm là ông Lê Văn Đệ.
Phương Nam-TH