Những ngày gần đây, do số lượng công nhân mắc Covid tăng cao, trong khi nhiều công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất... cho nên lãnh đạo nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên... đứng ngồi không yên. Nhiều công ty rơi vào tình trạng hoạt động sản xuất cầm chừng do thiếu lao động cục bộ, ảnh hưởng hoạt động phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.
Thiếu hụt lực lượng lao động
Thái Nguyên là địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh với khoảng 130 nghìn công nhân. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán có khoảng 98% tổng số công nhân đi làm trở lại, nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công nhân bị F0 phải điều trị, cách ly tăng cao. Trong khi đó nhu cầu mở rộng sản xuất ngày càng tăng, dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng.
Chị Nguyễn Thị Thắng ở xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, là công nhân Chi nhánh TNG Phú Bình chia sẻ: Do công ty có nhiều công nhân bị F0, F1, chúng tôi được vận động làm thêm giờ để đáp ứng tiến độ bàn giao các đơn hàng cho đối tác. Mặc dù chế độ được công ty chi trả đầy đủ, công khai nhưng do sức khỏe cho nên không thể làm thêm giờ trong thời gian dài ngày được.
Công ty cổ phần Ðầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG) có 16 nghìn lao động, là một trong hai doanh nghiệp có số công nhân lớn nhất trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Mặc dù trong thời gian qua, công ty đã triển khai phương án “vừa bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì phát triển sản xuất”, nhưng dịch Covid-19 “tấn công”. Ðến nay có khoảng 2.000 công nhân bị nhiễm phải điều trị, cách ly, và hơn ba nghìn công nhân là F1; khoảng 3% (khoảng 400 công nhân) ốm đau, thai sản nghỉ việc... “Năm nay Công ty TNG triển khai thêm bảy dự án mới với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Ðể mở rộng sản xuất, cần ít nhất 6.000 công nhân.
Nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài thì tình trạng thiếu lao động sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, doanh thu, nhất là kế hoạch phát triển của chúng tôi trong thời gian tới”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNG Nguyễn Văn Thời cho biết.
Bắc Giang hiện có năm khu công nghiệp với gần 200 nghìn công nhân đang lao động làm việc. Trung bình mỗi ngày bình quân khoảng 2.000 công nhân bị nhiễm Covid, khiến các doanh nghiệp “lao đao”, nhiều đơn hàng đã ký đang có nguy cơ bị chậm. Ðơn cử như Công ty New wing, Khu công nghiệp Vân Trung mỗi ngày có khoảng 200 công nhân bị F0, F1 phải nghỉ việc do dịch. Ðể duy trì hoạt động sản xuất, kịp đơn hàng cho đối tác, công ty phải kêu gọi người lao động làm thêm giờ, đồng thời tiếp tục tuyển dụng lao động mới.
Ngoài hình thức tuyển dụng lao động trực tiếp tại cổng nhà máy, công ty đang phải “chạy đôn, chạy đáo” phối hợp với nhiều đơn vị cung ứng lao động để tuyển thêm công nhân nhằm “lấp chỗ trống”, đáp ứng chu trình vận hành sản xuất. Theo kế hoạch sản xuất thì từ nay đến đầu tháng tư, công ty cần tuyển thêm khoảng gần 2.000 công nhân.
Cần thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp
Ðể tháo gỡ vấn đề nêu trên, các doanh nghiệp và một số địa phương như Bắc Giang, Thái Nguyên... đã thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp vừa phòng, chống dịch để bảo vệ công nhân, vừa mời gọi, tuyển dụng thêm lao động. Ðơn cử để bảo vệ nguồn nhân lực, Tổ hợp Samsung Thái Nguyên đã bố trí xe đưa đón “khép kín”, sắp xếp ký túc xá cho khoảng 25 nghìn công nhân, trong đó dành bốn tòa nhà riêng biệt để điều trị, chăm sóc “khép kín” cho những công nhân nhiễm Covid-19. Nhiều doanh nghiệp khác tăng lương, hỗ trợ các đơn vị giới thiệu, môi giới việc làm với mức 200 nghìn đồng/công nhân tuyển dụng được...
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, Phạm Hoàng Hải cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, Sở đã tổ chức nhiều phiên giao dịch, giới thiệu việc làm, phối hợp các phương tiện truyền thông tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng công nhân của các doanh nghiệp nhằm kết nối cung-cầu lao động. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ thị trường lao động để phát triển thị trường lao động một cách toàn diện, bền vững nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Ngoài việc giữ chân người lao động quay trở lại làm việc, phần lớn các doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Giang đã đưa ra chính sách đãi ngộ tốt, đặc biệt là các vấn đề liên quan tiền lương, phúc lợi của người lao động. Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện gói hỗ trợ “5 trong 1” đối với người lao động đến đăng ký xin việc, gồm: Giới thiệu việc làm, đưa đón lao động, hỗ trợ tìm nhà trọ, ưu tiên tiêm vắc-xin, xét nghiệm Covid-19 cho người lao động.
Ðồng thời trung tâm đã cùng đồng hành với doanh nghiệp và người lao động với phương châm “Nhà trọ văn minh, an toàn” bảo đảm phòng dịch Covid-19, doanh nghiệp cam kết và thực hiện chi lương thưởng xứng đáng, các chế độ hỗ trợ nhà ở, đi lại và phúc lợi, chính sách làm việc linh hoạt. Ðiều này đã giúp người lao động yên tâm, đặt niềm tin vào doanh nghiệp để có việc làm ổn định...
Theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang, ngoài việc tăng cường tuyển dụng lao động, trung tâm còn chủ động nắm bắt thông tin thị trường lao động từ phía doanh nghiệp, nắm nhu cầu tìm việc của người lao động, định kỳ tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối các vùng miền, hỗ trợ phỏng vấn tuyển dụng lao động, tăng cường sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của địa phương và doanh nghiệp trong thu hút lao động...
Trong bối cảnh các doanh nghiệp khan hiếm lao động, ảnh hưởng trực tiếp tốc độ phục hồi sản xuất, kinh doanh, việc triển khai các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động đang trở nên cấp bách. Do đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp thu hút người lao động như: vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ về nhà ở, đào tạo... cần được triển khai sớm để thu hút người lao động, gỡ khó kịp thời cho doanh nghiệp. Ðồng thời cần triển khai đồng bộ, kịp thời “Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động” của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội...
Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Theo đó, Dự thảo đưa ra hai đối tượng nhận hỗ trợ, gồm người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và người lao động trở lại thị trường lao động. Trong đó, mức hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc là 500 nghìn đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng). Mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).