Thủ tướng quyết định các khoản vay đặc biệt có lãi suất 0%

Đinh Thảo
Dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề xuất của Ngân hàng Nhà nước.

Chiều ngày 15/1, Quốc hội họp kỳ bất thường lần thứ 5, thảo luận ở hội trường dự thảo Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi.

6 trường hợp ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt

Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, với quy định về kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Thường vụ tiếp thu các ý kiến theo hướng giao thẩm quyền cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

Dự thảo luật quy định rõ 6 trường hợp ngân hàng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Đó là tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có phương án khắc phục gửi NHNN hoặc không điều chỉnh phương án khắc phục theo yêu cầu bằng văn bản của NHNN; trong thời hạn thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm không có khả năng thực hiện phương án khắc phục; hết thời hạn thực hiện phương án khắc phục mà tổ chức tín dụng không khắc phục được tình trạng cần can thiệp sớm; bị rút tiền hàng loạt và có nguy cơ gây mất an toàn hệ thống Tổ chức tín dụng.

vuhongthanh-956-1705311980.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Phạm Thắng

Hai trường hợp còn lại là tỷ lệ an toàn vốn của tổ chức tín dụng thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục; tổ chức tín dụng bị giải thể không có khả năng thanh toán đầy đủ các khoản nợ trong quá trình thanh lý tài sản.

Trường hợp nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, trật tự, an toàn xã hội khi xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Chính phủ quyết định việc áp dụng biện pháp đặc biệt trên cơ sở đề xuất của NHNN và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Một nội dung nữa, theo luật hiện hành, Thủ tướng quyết định cho vay đặc biệt của NHNN với lãi suất ưu đãi đến mức 0% đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Các trường hợp đề nghị vay đặc biệt có lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm là các trường hợp đặc biệt, quan trọng cần phải có sự phối hợp của các cơ quan liên quan (như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, NHNN vừa có vai trò của ngân hàng Trung ương, vừa là thành viên Chính phủ. Vì vậy, việc NHNN đề xuất để Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay không có tài sản bảo đảm và/hoặc cho vay có lãi suất 0% là cần thiết và hợp lý.

Tiếp thu các ý kiến đại biểu, dự thảo luật được chỉnh lý theo hướng NHNN quyết định cho vay đặc biệt đối với khoản vay có lãi suất và có tài sản bảo đảm đối với ngân hàng. Mức lãi suất, tài sản bảo đảm của khoản cho vay đặc biệt theo quy định của Thống đốc.

Ngân hàng hợp tác xã quyết định cho vay đặc biệt đối với quỹ tín dụng nhân dân từ Quỹ bảo đảm an toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Việc cho vay đặc biệt với lãi suất là 0%/năm, không có tài sản bảo đảm đối với quỹ tín dụng nhân dân thực hiện theo quyết định của NHNN trên cơ sở đề xuất của ngân hàng hợp tác xã.

Tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tín dụng khác quyết định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Dự luật cũng quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay đặc biệt của NHNN đối với khoản vay có lãi suất là 0%/năm, khoản vay không có tài sản bảo đảm đối với ngân hàng trên cơ sở đề xuất của NHNN.

Để bảo đảm chặt chẽ và có cơ sở hoàn thiện các quy định có liên quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm tiền gửi theo hướng tổ chức bảo hiểm tiền gửi cho vay đặc biệt phải có lãi suất, có tài sản bảo đảm và trong phạm vi quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi.

Trường hợp khoản vay không có tài sản bảo đảm, có lãi suất là 0%/năm và trong phạm vi quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải báo cáo NHNN quyết định; NHNN không cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi vay đặc biệt để tổ chức bảo hiểm tiền gửi cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng.

Giám sát ngân hàng, gắn với vấn đề xử lý sở hữu chéo

Một nội dung đáng chú ý nữa ông Vũ Hồng Thanh cho hay là liên quan ý kiến đại biểu đề nghị quy định rõ, cụ thể về cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, gắn với vấn đề xử lý sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng và cho vay đối với người có liên quan.

Việc này nhằm công tác thanh tra, giám sát ngân hàng khả thi, hiệu quả thực chất, không phải mang tính đối phó, hình thức.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu, và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định: “NHNN có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện nước ngoài theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và quy định khác của pháp luật có liên quan” tại khoản 1 Điều 207.

Theo dự thảo luật, Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật về thanh tra. Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bộ Tài chính dự kiến được giao kiểm tra, giám sát hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, NHNN, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan tiếp tục có giải pháp tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của luật khi ban hành.

Dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều, chỉnh lý nhiều điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6).