Thiên tài: Biểu tượng vĩ đại và sự mai một qua thời gian

"Thiên tài" từ lâu đã là biểu tượng của những cá nhân xuất chúng, mang lại những đóng góp vĩ đại cho nhân loại. Từ thời cổ đại đến hiện đại, thiên tài như Einstein không chỉ là nguồn cảm hứng mà còn là cầu nối giữa con người và vũ trụ.
thientai-lamacodai-1736480944.png
Khái niệm "thiên tài" (Genius) đã xuất hiện từ hơn 2.000 năm trước tại La Mã

Khái niệm "thiên tài" (Genius) đã xuất hiện từ hơn 2.000 năm trước, được Plautus – một tác giả La Mã – sử dụng như biểu tượng văn hóa, vừa là cán cân điều hòa xã hội, vừa là con dao hai lưỡi của nền dân chủ.

Trong thời La Mã và Hy Lạp cổ đại, thiên tài không chỉ là những cá nhân xuất chúng mà còn được thần thánh hóa, sở hữu sức mạnh siêu nhiên, khả năng chạm vào bí mật vũ trụ. Họ là những hậu duệ tinh hoa của thần linh, vượt khỏi khuôn khổ của con người bình thường.

Qua các thời kỳ, thiên tài được định nghĩa qua những hình mẫu khác nhau: nhà thơ, triết gia, chính trị gia, nhà khoa học, nghệ sĩ... Nhưng đến thế kỷ XX, khái niệm này dần bị lạm dụng. Những nhân vật như Einstein, Mark Twain trở thành biểu tượng văn hóa, trong khi các bài kiểm tra IQ và tư tưởng tôn sùng lãnh tụ như Hitler, Stalin biến thiên tài thành công cụ quyền lực hoặc thương mại hóa.

albert-einstein-1736481104.png
Einstein vẫn là biểu tượng cuối cùng giữ được sự thiêng liêng của khái niệm thiên tài

Hannah Arendt từng cảnh báo vào năm 1958 rằng sức mạnh đồng tiền đã làm biến dạng hình tượng thiên tài, khiến giá trị thực sự của những cá nhân xuất chúng mờ nhạt. Ralph Waldo Emerson cũng từng nhận định: “Chúng ta kiếm ăn trên những thiên tài.” Và đúng như vậy, xã hội hiện đại đã biến thiên tài thành một văn hóa cực đoan, áp dụng cho mọi lĩnh vực – từ thời trang, kinh doanh đến bóng đá.

Tuy nhiên, giữa sự lạm phát danh xưng ấy, Einstein vẫn là biểu tượng cuối cùng giữ được sự thiêng liêng của khái niệm thiên tài. Ông không chỉ là một nhà khoa học mà còn là cầu nối giữa con người và vũ trụ, một hiện thân của sự sáng tạo và khai sáng.

Dẫu vậy, thời đại của thiên tài đã qua. Trong một thế giới dân chủ, nơi mọi người đều có cơ hội tỏa sáng, khái niệm thiên tài trở nên vừa hoài niệm vừa lạc lõng. Liệu chúng ta nên tiếc nuối hay vui mừng trước sự biến mất của thiên tài? Có lẽ là cả hai.

Việt Anh/T.H