Chính sách thu hút trí thức kiều bào/lao động người Việt Nam ở nước ngoài

Huyền Văn
Thu hút, tập hợp lực lượng trí thức cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương, chiến lược lớn, đúng đắn, được thể hiện trong các văn kiện, nghị quyết quan trọng của của Đảng và Nhà nước. Đây là chương trình dự án chiến lược ở tầm Quốc gia, vì vậy các cơ quan Trung ương và lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã tập trung nghiên cứu, xây dựng chiến lược, đồng thời có nhiều phương án triển khai, tổ chức thực hiện, tháo gỡ những khó khăn...
nlntv-anh-1-1677488929.jpg
GS.VS. Nguyễn Quốc Sỹ GS Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva, Liên Bang Nga; Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT ( Ảnh: T.Vương - Báo Lao Động)

Trí thức kiều bào hoặc lao động có chuyên môn cao người Việt Nam ở nước ngoài là lực lượng quan trọng kết hợp với lực lượng lao động trong nước cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao cho đất nước cần tận dụng tối đa mọi nguồn lực, trong đó có nguồn lực là trí thức kiều bào, lao động chất lượng cao ở ngoài nước. Theo số liệu hiện nay, Việt Nam có hơn 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 500.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên, trong đó có những nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến như Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Úc, Nhật, Canada v.v. Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thu hút, tập hợp lực lượng trí thức kiều bào để tham gia giải quyết những nhiệm vụ kinh tế, xã hội của đất nước. Việt Nam đã xây dựng và ban hành một số nghị định quan trọng nhằm thu hút lực lượng này cho phát triển các dự án kinh tế, xã hội của đất nước, có thể kể đến Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 26/03/2004 của Bộ Chính Trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới v.v.

Những năm qua, chúng ta đã thu hút được một số kết quả nhất định trong thu hút, đào tạo đội ngũ tri thức, trong đó có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức kiều bào trong xây dựng cơ chế, chính sách, phản biện các dự án kinh tế, xã hội và tham gia trực tiếp đầu tư cũng như tư vấn, phản biện một số dự án khoa học công nghệ trong nước như đường sắt tốc độ cao, dự án xây dựng sân bay Long Thành, dự án xây dựng cảng trung chuyển container, các dự án cung cấp điện năng, bảo vệ môi trường, chống ngập mặn cho đồng bằng sông Cửu Long v.v. Những đóng góp này đã được ghi nhận và đánh giá một cách trân trọng.

Mặc dù vậy, thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả lực lượng trí thức kiều bào thực tế không đơn giản và dễ dàng do những nguyên nhân khách quan sau đây: 1. Lực lượng trí thức kiều bào tuy đông nhưng phân bố trên khắp các quốc gia, châu lục và vùng lãnh thổ khác nhau, rất khó khăn cho việc tập hợp; 2. Trí thức kiều bào không tập trung trong một hoặc một vài chuyên ngành khoa học mà hoạt động trong khắp các lĩnh vực khác nhau, điều này cũng gây khó khăn cho sử dụng lực lượng trí thức kiều bào trong các chuyên ngành hẹp, các dự án cụ thể của chúng ta; 3. Trí thức kiều bào thường làm việc trong nhiều hệ thống khoa học, tổ chức quản lý, mô hình hoạt động và văn hóa khác nhau (thậm chí khác với cả tại Việt Nam), gây khó khăn không nhỏ khi về trong nước làm việc. Ngoài ba lý do cơ bản trên đây, môi trường sống và làm việc, đãi ngộ, lương bổng, nhà cửa, sinh hoạt, đi lại, học hành cho con cái... cũng là những khó khăn cần phải vượt qua để có thể thu hút lực lượng trí thức kiều bào về cống hiến cho đất nước. Mặc dù khó khăn vậy cũng phải làm, vì tác dụng và hiệu quả to lớn, trong đó có sự tham gia trực tiếp, làm cầu nối hợp tác của các trí thức kiều bào của chúng ta ở khắp nơi trên thế giới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Ngoài ra, thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ thời gian qua còn cho thấy một số khó khăn, thiếu sót chủ quan trong tổ chức triển khai thực hiện cần phải sớm khắc phục như sau:

1. Chúng ta thiếu cơ chế chính sách cụ thể để trí thức kiều bào có thể tham gia triển khai các dự án khoa học công nghệ. Việt Nam có chiến lược đúng đắn ở tầm vĩ mô về thu hút, sử dụng trí thức kiều bào nhưng thiếu các nghị định, quy chế cụ thể cho thu hút hiệu quả trí thức kiều bào về làm việc trong từng ngành, từng dự án khoa học công nghệ, từng đơn vị, phòng thí nghiệm và các cơ sở nghiên cứu, triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, xã hội;

2.Thiếu bộ máy tổ chức triển khai hiệu quả tại chỗ để thu hút sự tham gia của trí thức kiều bào trong các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các địa phương, trong các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm. Về hình thức, chúng ta có bộ máy nhưng lại hoạt động kém hiệu quả do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó có hạn chế về năng lực tổ chức triển khai các dự án khoa học công nghệ của các cấp cán bộ quản lý, thiếu đồng bộ và không phù hợp cho môi trường làm việc, nghiên cứu, sáng tạo của trí thức kiều bào;

3. Thiếu kinh phí đầu tư, điều kiện sinh hoạt và làm việc, trang thiết bị và mô hình tổ chức quản lý hiệu quả cho triển khai các hoạt động khoa học công nghệ của trí thức kiều bào, dẫn tới những khó khăn không đáng có mà cá nhân trí thức kiều bào rất khó vượt qua trong các điều kiện khác biệt tại Việt Nam;

4. Ở nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều cấp có biểu hiện thiếu sự cầu thị đối với các trí thức kiều bào trong triển khai các dự án khoa học công nghệ trong nước dẫn tới khó thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả trí thức, chuyên gia kiều bào về làm việc trong nước;

5. Trong tổ chức triển khai nhiều dự án khoa học công nghệ, chúng ta còn lúng túng, nhiều khi thiếu sự chuẩn bị chu đáo, chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và mức độ tham gia của trí thức kiều bào trong các dự án này. Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính hình thức, hàn lâm, ít thực tiễn, tính ứng dụng thấp, khó thu hút sự tham gia đóng góp của trí thức kiều bào.

nlntv-anh2-1677488975.jpg
Cuộc gặp mặt có sự tham gia của hơn 300 đại biểu, trong đó có 210 đại biểu đại diện cho giới trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ

Một số giải pháp trước mắt nhằm tháo gỡ những khó khăn trên:

1. Đảng, chính quyền các cấp và toàn thể xã hội nên thể hiện mọi lúc, mọi nơi sự trân trọng, cầu thị, lắng nghe, tôn vinh trí thức kiều bào. Đồng thời, đánh giá khách quan, khen thưởng kịp thời, có chế độ đãi ngộ hợp lý cho trí thức kiều bào và ghi nhận những thành quả thiết thực mà họ đem lại cho xã hội và đất nước. Có như vậy, trí thức kiều bào mới sẵn sàng trở về làm việc, cống hiến, đem sức mình phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc;

2. Tập trung mọi nguồn lực của đất nước, của xã hội cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó phải lấy tiêu chí hiệu quả ứng dụng lên hàng đầu. Đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều dự án, nhiều nhiệm vụ cần phải đầu tư. Vì vậy, không thể đầu tư cho khoa học công nghệ và phát triển, đào tạo nguồn lực trí thức một cách dàn trải mà phải có trọng tâm, trọng điểm. Phải chọn ra những chuyên ngành, những dự án, những hệ thống công nghệ theo thứ tự ưu tiên cho phát triển kinh tế, xã hội, phù hợp với chiến lược, mục tiêu, lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

3. Để đáp ứng mục tiêu nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong tình hình mới cần cải tổ lại bộ máy tổ chức, quản lý hệ thống khoa học và tập hợp, thu hút trí thức, trong đó có trí thức kiều bào, theo hướng gọn nhẹ, chuyên sâu, chuyên nghiệp, gắn với thực tiễn, với thị trường, lấy các tiêu chí về hiệu quả hoạt động đầu tư và ứng dụng lên làm đầu. Ví dụ, không nhất thiết phải tổ chức bộ máy quản lý khoa học công nghệ và tập hợp trí thức theo ngành dọc ở khắp các cơ quan Trung ương và địa phương mà nên tính tới đặc thù phát triển của vùng miền, của từng ngành, lấy thế mạnh của từng địa phương mà phát triển;

4. Để sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức kiều bào cần có những cá nhân xuất sắc, những thủ lĩnh trí thức như con chim đầu đàn tập hợp, dẫn dắt, chỉ huy trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng dự án, đồng thời là người chịu trách nhiệm trước hệ thống chính trị và nhân dân cả nước trong lĩnh vực công việc của mình. Thủ lĩnh trí thức kiều bào phải là người có đầy đủ yếu tố cần thiết, có tâm, có tầm, có tri thức, văn hóa và tuyệt đối trung thành với quyền lợi của quốc gia và dân tộc. Chúng ta phải phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng để xuất hiện những thủ lĩnh trí thức kiều bào làm nòng cốt cho kế hoạch thu hút, tập hợp trí thức trong và ngoài nước. Công việc này tốt nhất phải được thực hiện thông qua thực tế cuộc sống, năng lực chuyên môn và hiệu quả công việc;

5. Chúng ta cần nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm của các nước trong thu hút, tập hợp lực lượng trí thức, đồng thời phải có chiến lược hợp tác chặt chẽ, sâu rộng và hiệu quả với các quốc gia phát triển có tiềm lực tri thức của thế giới. Ví dụ, trong đào tạo và chuẩn bị đội ngũ kế cận cho tương lai, không chỉ gửi đi đào tạo các cán bộ khoa học của chúng ta ở các nước này mà còn phải trực tiếp cùng với các hệ thống đào tạo tiên tiến trên thế giới tạo ra mô hình đào tạo mới hiệu quả hơn, sát với thực tiễn ở Việt Nam để các cán bộ sau khi đào tạo có thể sớm làm việc, cống hiến, thực thi hiệu quả các nhiệm vụ của đất nước. Mô hình đào tạo đó có thể sử dụng hệ thống tiên tiến của các nước nhưng kết hợp với nhu cầu, nhiệm vụ thực tế của Việt Nam, bổ sung các kiến thức và chuyên ngành cần thiết trong quá trình đào tạo cho cán bộ trí thức gắn với các nhiệm vụ phát triển các ngành khoa học của chúng ta. Trong hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, cần lưu ý tới những công nghệ lõi, công nghệ nền, công nghệ có tính ứng dụng cao, tức thời và cho tương lai của các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này cho phép tiếp cận nhanh chóng những thành tựu khoa học công nghệ của các nước phát triển, khai thác tối đa hiệu quả ứng dụng của các công nghệ mới trên thế giới, áp dụng ngay trực tiếp cho các dự án khoa học công nghệ của đất nước, tăng khả năng cạnh tranh các ngành công nghiệp và khoa học công nghệ mũi nhọn của chúng ta;

6. Trong hợp tác với các nước phát triển, hết sức chú ý sử dụng vai trò cầu nối của lực lượng trí thức kiều bào. Để khai thác tối đa vai trò của trí thức kiều bào, chúng ta cần phải: i. Cầu thị, tôn trọng, lắng nghe và chấp nhận những ý kiến trái chiều đóng góp cho đất nước của họ; ii. Tạo điều kiện sống và làm việc tối đa cho mỗi trí thức kiều bào và gia đình của họ về trong nước làm việc để họ có thể sống và làm việc lâu dài trong nước; iii. Mạnh dạn giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm và quyền lợi của các dự án khoa học công nghệ, các chương trình phát triển văn hóa, các nghiên cứu và cầu nối hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ cho các trí thức kiều bào;

7. Thu hút, tập hợp và sử dụng hiệu quả lực lượng trí thức trong và ngoài nước phải là chiến lược quốc gia, mang tính thời đại, có tầm vóc lịch sử trong sự phát triển của đất nước hiện nay. Ngoài ra, không nên chỉ bó hẹp trong phạm vi trí thức là người Việt Nam mà phải hết sức chú ý tới việc thu hút, tập hợp trí thức là người nước ngoài, tính tới việc sử dụng tại chỗ, tại quốc gia nơi họ làm việc hoặc mời họ tham gia trong các dự án của đất nước chúng ta. Thế giới mở kết hợp với các công nghệ thông tin hiện nay cho phép ta về mặt kỹ thuật thu hút lực lượng trí thức, chuyên gia nước ngoài không chỉ tới Việt Nam làm việc mà còn làm việc trực tuyến, theo nhóm trong các định dạng mở hiện nay của công nghệ thông tin. Đây thực sự là lực lượng trí thức quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước chúng ta. Đây là nguồn lực sẵn có, vô cùng lớn, chất lượng cao có thể khai thác, sử dụng nếu chúng ta nhận thức vấn đề này một cách nghiêm túc, có cách làm hiệu quả, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Ngoài ra, phải xây dựng hệ thống luật định có ưu đãi đặc biệt cho các chuyên gia cao cấp người nước ngoài tới Việt Nam làm việc hoặc hợp tác với Việt Nam trong các dự án quan trọng của đất nước;

8. Tập trung xây dựng và phát triển một số Tập đoàn khoa học công nghệ mạnh để triển khai các dự án khoa học công nghệ, làm nền tảng cho phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tập đoàn khoa học công nghệ đồng thời là cái nôi để thu hút, tập hợp, đào tạo và phát triển lực lượng trí thức cho tương lai của đất nước. Trong điều kiện thiếu thốn như hiện nay cả về đầu tư, tài chính, trang thiết bị, kinh nghiệm và lực lượng trí thức, việc xây dựng các tập đoàn khoa học công nghệ tuy khó khăn nhưng vô cùng cần thiết và cấp bách. Cách làm là phải huy động mọi tiềm lực của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, đồng thời sử dụng trực tiếp đội ngũ trí thức cho nhiệm vụ này. Những trí thức tâm huyết, yêu nước trong và ngoài nước, trong và ngoài hệ thống chính trị phải được sử dụng, giao nhiệm vụ kết nối, tổ chức, chịu trách nhiệm xây dựng các phòng thí nghiệm, các trung tâm nghiên cứu ứng dụng, các viện nghiên cứu đa ngành và chuyên sâu, tập hợp đội ngũ để xây dựng bằng được các tập đoàn khoa học công nghệ cho đất nước. Bất luận mô hình, cách tổ chức như thế nào cũng cần sự tham gia đầu tư lớn của Nhà nước và xã hội. Đây là công việc quan trọng, xứng đáng để chúng ta đặt thành nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, xã hội và cả hệ thống chính trị.

Với sự quyết tâm, nghiêm túc, cầu thị, lắng nghe và có chiến lược hợp lý trong thu hút, tập hợp lực lượng trí thức, trong đó có trí thức kiều bào, chúng ta có thể đặt nền móng vững chắc để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

GS.VS. Nguyễn Quốc Sỹ GS Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva, Liên Bang Nga; Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT