Để chủ động ứng phó với các hiện tượng thời tiết nguy hiểm trong thời gian tới, đồng thời tập trung khắc phục hậu quả thiên tai do hoàn lưu bão số 3 gây ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; chuyển các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai tới các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó; đôn đốc và duy trì liên lạc với các địa phương để nắm bắt tình hình phục vụ công tác chỉ đạo, chủ động ứng phó với thiên tai.
Các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ khẩn trương tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống; tiếp tục rà soát, thống kê, báo cáo thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra.
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, đê điều, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra; khơi thông dòng chảy, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Các địa phương sẵn sàng triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất; gia cố, bảo vệ hồ ao nuôi thủy sản; thu hoạch hoa màu, cây trồng cạn đến thời kỳ thu hoạch; phòng chống ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại; thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông, trên sông, trong phạm vi bảo vệ đê điều; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.
Đồng thời chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, hệ thống đê điều, đặc biệt là các hồ chứa nhỏ, hồ thủy lợi và trọng điểm đê điều xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, sét, động đất và ngập úng cục bộ để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 7 giờ ngày 27/8, hoàn lưu bão số 3 đã làm 2 người chết tại bản Tìa Ghếnh, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên và tại thôn Làng Điền, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn (do bị lũ cuốn trôi); 48 nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng (Tuyên Quang, Điện Biên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng); gần 7.000 ha lúa, hoa màu bị ngập, thiệt hại (Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội).
Mưa lớn kèm theo ngập úng đã làm 17.300 cây ăn quả bị gãy đổ (Thái Nguyên, Hải Phòng); hơn 170 cây trồng hàng năm bị ngập (Tuyên Quang; Quảng Ninh ); hàng chục ha cây cảnh bị ngập; 14 ha cây keo, gần 800 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 177 ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Đặc biệt, tại thành phố Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) tối 26/8 có 528 hộ bị ngập lụt, trong đó 89 hộ dân trên địa bàn phường Quang Trung đến 23 giờ mới thoát ngập. Chợ Trung tâm của thành phố bị ngập, làm ảnh hưởng đến 171 hộ kinh doanh trong chợ. Sạt lở đất đá một số điểm trên địa bàn xã Thượng Yên Công, phường Vàng Danh và phường Bắc Sơn. Ước tổng thiệt hại trên địa bàn thành phố Uông Bí do ảnh hưởng của bão số 3 tính đến hết ngày 26/8 là khoảng 11,7 tỷ đồng.