Ngày 20/9/2024, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kết luận thanh tra số 208/KL-TTr về việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - Công ty Cổ phần (VGR). Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2022 đến ngày 30/6/2024.
Theo Kết luận, bên cạnh 25 nội dung đã được thực hiện tốt, Đoàn Thanh tra đã chỉ ra nhiều (12) quy định của pháp luật về lao động chưa được doanh nghiệp thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ. Điển hình như:
- VRG chưa thông báo tình hình thay đổi lao động định kỳ 6 tháng và hàng năm đến cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đặt trụ sở theo quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.
- Hồ sơ thoả ước lao động tập thể của doanh nghiệp không có thông báo bằng văn bản về những nội dung dự kiến tiến hành thương lượng tập thể của đại diện tập thể lao động hoặc của người sử dụng lao động, không có biên bản cuộc họp thương lượng là không đúng quy định tại Điều 70, Bộ luật Lao động.
- Việc VRG xác định số lao động bình quân bao gồm cán bộ công đoàn chuyên trách ngành cao su Việt Nam (không làm việc theo hợp đồng lao động, năm 2022 và năm 2023 xác định thêm 32 người/năm) là chưa đúng quy định; Quy chế trả lương cho người lao động của Tập đoàn ban hành kèm theo Quyết định số 248/QĐ-HĐQTCSVN ngày 13/8/2019 của Hội đồng quản trị có nhiều nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật.
- Quy chế trả lương cho người lao động ban hành kèm Quyết định số 248/QĐ-HĐQTCSN ngày 13/8/2019 của Hội đồng quản trị có nội dung chưa phù hợp vơi quy định của pháp luật.
- VRG chưa thực hiện việc giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động. Chưa ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động…
Ngoài ra, nội quy lao động có nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật lao động, như: quy định về trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động; quy định về người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải khi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động…