Tăng lương nhưng phải kiểm soát chặt giá cả

Huyền Văn
Ngày 27/10/2022, khi thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, một số đại biểu Quốc hội đề nghị tăng lương cơ sở sớm hơn 6 tháng, áp dụng từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023 và đồng thời có giải pháp kiểm soát chặt chẽ giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Đại biểu Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) cho biết, ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận. Theo ông Thái, lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn lao của Chính phủ. “Việc điều chỉnh tăng mức lên cơ sở là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng”, đại biểu Thái chia sẻ.

Từ những kiến nghị của cử tri, đại biểu kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định sáu tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1/1/2023.

nlntv-anh-1-1666960996.jpg
Họp Quốc hội nóng ran chuyện ‘cán bộ đi lững thững’ và nỗi lo ‘giá chạy trước lương’ ( Ảnh: minh họa )

Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị thực hiện tăng lương từ 1/1/2023 thay vì 1/7/2023, Bộ Tài chính khẳng định cải cách tiền lương là nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng, cấp thiết, nhất là trong bối cảnh dịch COVID - 19 và giá cả xăng dầu, hàng hóa cơ bản... tác động tới nhân dân cả nước, trong đó có độ ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng cho rằng, trước nguy cơ lạm phát cao, việc cải cách chính sách tiền lương cần được thực hiện một cách thận trọng, hài hòa với các mục tiêu điều hành kinh tế - xã hội nói chung.

Do đó, Chính phủ tiếp tục tham mưu các cấp thẩm quyền chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 trong năm 2023.

Thay vào đó, Chính phủ đề xuất thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng (khoảng 20,8%) từ 1/7/2023. Theo Bộ Tài chính, mức tăng nói trên "cơ bản bù đắp mức độ trượt giá thời gian qua".

Ngoài ra, Bộ Tài chính cho rằng, thời điểm thực hiện từ ngày 1/7/2023 thay vì từ đầu năm là do thời điểm đầu năm gần với tết dương lịch và âm lịch, nhu cầu mua sắm sử dụng hàng hóa dịch vụ của người dân và doanh nghiệp tăng mạnh. "Nếu thực hiện cải cách tiền lương vào thời điểm này sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát", báo cáo của Bộ Tài chính nêu.

nlntv-anh-2-1666960916.jpg
Người dân luôn sợ cảm giác " lương chưa có quyết định tăng, giá cả đã nhanh chân chạy trước".

Cùng trao đổi, nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, vấn đề tăng lương được rất nhiều người lao động quan tâm. Việc tăng lương giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm công việc. song cũng nhiều chuyên gia và người dân rất sợ cảm giác " lương chưa có quyết định tăng, giá cả đã nhanh chân chạy trước".

Chia sẻ về vấn đề "Lương và Giá", PGS.TS Bùi Văn Dũng - Chuyên gia kinh tế cho rằng: " Tăng lương cơ sở đương nhiên sẽ tăng chi thường xuyên. Tuy nhiên, việc tăng lương cũng là theo nghị quyết của trung ương, của Quốc hội để đảm bảo đời sống của người lao động. Vấn đề cơ bản là Chính phủ phải điều hành kinh tế vĩ mô ra sao để không làm tăng chỉ số giá sinh hoạt CPI và tiếp tục tích cực cải cách bộ máy để giảm nhẹ biên chế và chuyển mạnh các đơn vị sự nghiệp công lập sang mô hình tự chủ, tự chịu trách nhiệm thì mới có nguồn để cải cách tiền lương và mới giảm được chi hành chính, trong đó có chi ngân sách cho tiền lương. Với góc nhìn cá nhân, việc tăng lương, "chưa nóng " bằng việc điều hành, kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, thực phẩm, nhu yếu phẩm khác, thuốc men.... việc tăng 20% hay 30% sẽ chẳng còn ý nghĩa nhiều nếu lương chưa lên mà giá đã nhanh chân chạy trước."

Lâm An