Theo đó, tất cả các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được điều chỉnh tăng 7,4% lương từ tháng 1-2022. Những người về hưu rất phấn khởi và đang mong chờ được thụ hưởng chính sách này để bảo đảm đời sống...
Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa:
Xây dựng kế hoạch cụ thể để bảo đảm chi trả nhanh và chính xác nhất chính sách tăng lương
Theo Nghị định số 108/2021/ NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng được điều chỉnh là những người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng trước tháng 1-2022; người hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng từ tháng 1-1995, sau khi thực hiện điều chỉnh theo mức chung mà có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/người. Mức điều chỉnh tăng cho các đối tượng này là 7,4% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12-2021 đối với các đối tượng nêu trên. Sau khi điều chỉnh theo mức chung, người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng dưới 2,5 triệu đồng/tháng sẽ được điều chỉnh tiếp. Mức tăng này nhằm bảo đảm bù đắp trượt giá để duy trì giá trị của khoản lương hưu, trợ cấp hiện hưởng của người thụ hưởng do tác động bởi yếu tố lạm phát. Do vậy, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban để bảo đảm chi trả nhanh nhất chính sách tăng lương cho các đối tượng.
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm:
Tập trung thực hiện nhanh và không để xảy ra sai sót
Từ ngày 1-1-2022, tất cả các đối tượng nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được tăng 7,4% lương theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Chính sách này thể hiện tính nhân văn, là biện pháp hỗ trợ rất kịp thời để người về hưu giảm khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Việc tăng lương hưu cho người về hưu, trong đó ưu tiên cho người về hưu có mức lương thấp lên thành 2,5 triệu đồng/tháng là hợp lý. Phần lớn người về hưu chỉ có nguồn chính là lương hưu nên tăng lương hưu là cần thiết. Tăng lương hưu cũng thể hiện rõ mục tiêu gắn phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, giải quyết vấn đề an sinh cho người về hưu và tăng thu nhập cho người cao tuổi. Do vậy, quận sẽ tập trung thực hiện nhanh và quyết không để xảy ra sai sót.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn:
Góp phần bảo đảm cuộc sống cho người về hưu
Mức tăng lương lần này tuy còn khiêm tốn, song đã góp phần bảo đảm cuộc sống cho người về hưu. Tôi đánh giá cao chính sách này và người nghỉ hưu khi biết tin tăng lương cũng rất phấn khởi. Ngay sau khi Nghị định số 108/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành, huyện Quốc Oai đã yêu cầu cơ quan chuyên môn tập trung nghiên cứu, rà soát lại các đối tượng được điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Trên cơ sở đó, cơ quan chuyên môn sẽ lập danh sách từng trường hợp cụ thể hưởng theo quy định từ nguồn ngân sách nhà nước và từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Bà Thân Thị Tuyết, cán bộ hưu trí phường Ngọc Thụy, quận Long Biên:
Nhanh chóng thực hiện chi trả cho người thụ hưởng để góp phần giúp họ ổn định cuộc sống
Hiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, do vậy việc Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2021/NĐ-CP điều chỉnh tăng 7,4% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng từ tháng 1-2022 khiến nhiều người rất phấn khởi. Được biết, theo dự kiến ban đầu Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội điều chỉnh từ tháng 7-2022 nhưng sau khi xem xét mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh và đời sống nhóm nghỉ hưu, hưởng trợ cấp gặp khó khăn nên bộ đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh thời gian tăng lương và trợ cấp sớm hơn. Rất mong các cơ quan chịu trách nhiệm sẽ nhanh chóng thực hiện việc tính toán, chi trả cho người thụ hưởng để góp phần giúp họ ổn định cuộc sống.
Bà Nguyễn Thị Hiền, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm:
Thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ
Tính từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Do chính sách tiền lương, chính sách cán bộ, chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta đã trải qua rất nhiều giai đoạn cải cách, thay đổi nên tồn tại chênh lệch khá lớn trong lương hưu của người về hưu giữa các thời kỳ. Lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ Bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước. Việc tăng mức lương hưu với nhóm đối tượng có lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 không chỉ giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ mà còn giúp họ ổn định đời sống, góp phần ổn định xã hội.