Ta thắng bởi ta là chính nghĩa 

Huyền Văn
Gần nửa thế kỷ qua, nhiều học giả trên thế giới nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta vẫn  không khỏi ngạc nhiên bởi lẽ Việt Nam là nước nhỏ, nghèo, kinh tế lạc hậu, Tại sao Việt Nam thắng Mỹ? Câu trả lời đầy tính thuyết phục là Việt Nam đã thắng bởi Việt Nam là chính nghĩa. 
nlntv-hinh-anh-hiem-co-trong-chien-thang-3041975-3cache-1682812294.jpeg
Xe tăng tiến vào Dinh Độc lập (Ảnh: tư liệu)

Cách đây 48 năm, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc Việt Nam, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài 21 năm (1954 - 1975).

Kể từ đó, ngày 30/4 hằng năm trở thành ngày lễ chính thức của nhân dân Việt Nam, được đặt tên là Ngày Chiến thắng, hoặc Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Cũng từ ngày đó đến nay, câu hỏi “Tại sao Mỹ thất bại ở Việt Nam?” vẫn làm đau đầu các nhà chiến lược chính trị, quân sự của Mỹ và các nước phương Tây. Nhiều nhà lãnh đạo, chính khách ở Mỹ đã cố tình che giấu sự thật, tìm cách lý giải, biện minh cho âm mưu, thủ đoạn đen tối của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam và buộc tội cho chính “cộng sản Việt Nam” gây ra. Có những kẻ hiếu chiến cho rằng: “Hoa Kỳ thất bại trong chiến tranh vì đã không thực sự cố gắng, không giữ được cho mình uy quyền và sức mạnh”; “không biết đẩy mạnh leo thang chiến tranh” để “đưa Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá!”. Không ít học giả Mỹ và phương Tây lại đưa ra lý lẽ để biện minh cho nguyên nhân thất bại cay đắng này của Mỹ ở Việt Nam là “do quân đội Mỹ bị đưa đến chiến trường châu Á xa xôi, đầy cạm bẫy, gian nan”.

Gần nửa thế kỷ qua, ngày 30-4 đã trở thành ngày hội thống nhất non sông gấm vóc, ngày tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng với các thế lưc thù địch và một số đối tượng cơ hội chính trị thì ngày 30-4 lại là ngày “hằn học”, ngày “bực tức”, ngày “thù hận”. Đã thành thông lệ từ nhiều năm nay, cứ gần đến ngày lễ Chiến thắng, một số đối tượng chống cộng cực đoan ở hải ngoại lại tung ra các bài viết, trả lời phỏng vấn với cách nhìn sai lệch, xuyên tạc lịch sử về ngày 30/4/1975. Họ gọi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ tiến hành ở Việt Nam giai đoạn 1954 - 1975 là “cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc”; gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày quốc hận” và tháng 4/1975 là “Tháng tư đen”…

Năm nay, vẫn “trung thành” với các âm mưu thâm độc, nhưng các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội chính trị có vẻ “đổi mới” hơn phương thức chống phá, chúng lợi dụng mạng xã hội, mạng internet để đưa những thông tin sai lệnh, xuyên tạc sự thật lịch sử, “vẽ” ra viễn cảnh “nếu không có ngày 30/4/1975”… Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn xúi giục những người trẻ tuổi ở Việt Nam đấu tranh “đòi tự do dân chủ” theo viễn tưởng phương Tây, từ đó làm giảm niềm tin vào chế độ, đòi “đa nguyên, đa đảng”…

Có lẽ chúng không biết hoặc cố tình không muốn biết sự thật lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX. Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tháng 5 năm 1954), thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva. Theo nội dung Hiệp định, vĩ tuyến 17 được coi là ranh giới tạm thời chia đôi đất nước ta. Ranh giới ấy lẽ ra đã được xóa bỏ, hai miền Nam-Bắc ruột thịt có thể đã được thống nhất chỉ sau hai năm bằng một cuộc Tổng tuyển cử phổ thông đầu phiếu vào tháng 7/1956. Thế nhưng đế quốc Mỹ với âm mưu của muốn thế chân thực dân Pháp ở miền Nam đã phá đi cơ hội thống nhất non sông lúc ấy. Chính quyền Ngô Đình Diệm - tay sai của đế quốc Mỹ biết không thể có cơ hội chiến thắng một cách đàng hoàng, hợp pháp qua cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước trước Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh được lòng dân. Vì thế, dưới sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đã giành quyền thống trị miền Nam bằng vũ lực, súng đạn, máy chém, sát hại dã man hàng vạn đồng bào, tạo ra những cuộc bắt bớ, giết hại tín đồ Phật giáo, gây mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo. Với việc dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, Mỹ đã thi hành ở Việt Nam chủ nghĩa thực dân kiểu mới. Khi nhận thấy Ngô Đình Diệm không còn phù hợp với chính sách của mình, Mỹ lập tức dàn xếp một cuộc đảo chính, tiêu diệt cả hai anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu, dựng lên tại miền Nam Việt Nam một chính thể khác phục vụ trung thành hơn cho lợi ích của Mỹ tại Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo của Mỹ, cùng với quân Mỹ, quân đội ngụy quyền Sài Gòn đã thực hiện nhiều chiến dịch thảm sát đồng bào miền Nam. Kể cả khi Mỹ đưa quân trực tiếp tham chiến, hay sau khi quân Mỹ phải rút phần lớn lực lượng khỏi miền Nam Việt Nam theo Hiệp định Paris vào năm 1973 thì bản chất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng vẫn không thay đổi. Tại Việt Nam từ năm 1954 đến 1975, thực chất chỉ có một nhà nước chính danh của dân tộc Việt Nam tồn tại, đó là Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được khai sinh ngày 2/9/1945 sau cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Bộ máy quản lý Nhà nước đó đã được Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bầu chọn. Các đại biểu Quốc hội khóa I được cử tri cả nước tín nhiệm bầu ra trong cuộc Tổng tuyển cử vào ngày 6/1/1946. Còn cái gọi là “Chính phủ Việt Nam cộng hòa” không phải là một chính quyền hợp pháp, hợp đạo lý, hợp lòng dân mà chỉ là tay sai cho đế quốc Mỹ.

Đến đầu năm 1973, sau khi thua đau trên chiến trường, chịu sức ép của dư luận trong nước và quốc tế bởi đang thực hiện một cuộc chiến tranh phi nghĩa, đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi nước ta. Nhưng Mỹ vẫn để lại một đội ngũ cố vấn hùng hậu, vẫn viện trợ quân sự để tiếp tục biến chính quyền “Việt Nam cộng hòa” thành con rối trong tay Mỹ. Như thế, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta không phải là một cuộc nội chiến giữa hai miền Nam-Bắc của Việt Nam như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Mà đó là cuộc kháng chiến chính nghĩa của toàn thể dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam trước sự xâm lược của đế quốc Mỹ và đánh đổ bè lũ tay sai của Mỹ, kết thúc thắng lợi bằng Chiến thắng 30/4/1975.

Nhiều học giả trên thế giới nghiên cứu cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta không khỏi ngạc nhiên bởi lẽ Việt Nam là nước nhỏ, nghèo, kinh tế lạc hậu. Khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đứng trước vô vàn khó khăn bởi đất nước bị tạm thời chia cắt thành hai miền với hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, lực lượng so sánh về kinh tế và quân sự giữa Việt Nam với Mỹ quá chênh lệch… Bởi vậy vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước có nước bạn khuyên ta nên tập trung vào việc xây dựng miền Bắc, còn ước mơ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì phải chờ thế hệ cháu chắt mai sau may ra mới có thể thực hiện được.

Mỹ có chỗ yếu cơ bản là phi nghĩa trong lúc cuộc đấu tranh của Việt Nam là chính nghĩa, ngày càng được nhân dân tiến bộ trên thế giới và nhân dân Mỹ đồng tình ủng hộ. Đó là cơ sở quan trọng để Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra đường lối chiến tranh nhân dân với những tính chất ưu việt của nó: Toàn dân đánh giặc, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, dựa vào sức mình là chính, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại… Chiến tranh nhân dân đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước của từng người, không phân biệt trẻ già, trai gái, hun đúc thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng thời khơi dậy năng lực sáng tạo, mưu trí, điều mà ta gọi là bản lĩnh Việt Nam.

Mỹ có một đội quân khổng lồ, trang bị hiện đại, lại có bộ máy nghiên cứu phục vụ chiến tranh rất đồ sộ. Trong quá trình xâm lược Việt Nam, họ lần lượt đưa sang những đơn vị sừng sỏ nhất với những vũ khí, phương tiện chiến tranh không ngừng được cải tiến, những thủ đoạn hiểm độc mà họ gọi là “chiến thuật tân kỳ”. Nhưng quân Mỹ không phát huy được lợi thế của các vũ khí, phương tiện chiến tranh và cách đánh đó, mà trong nhiều trường hợp còn phải trả giá đắt, từ trực thăng vận, thiết xa vận… đến pháo đài bay B52. Mỹ lại không có một chiến lược cơ bản và nhất quán nên trải năm đời tổng thống đề ra năm chiến lược đều có tính chất chắp và, bị động đối phó với tình hình bất lợi. Những người đứng đầu nước Mỹ cũng như tướng lĩnh cao cấp không hề nhớ đến câu “biết người biết ta” để “trăm trận trăm thắng” nên khi đề ra các chiến lược họ đều chủ quan, coi thường đối phương.

Để đi đến thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã phải đối phó lần lượt với các kế hoạch, chiến lược của đế quốc Mỹ, chính quyền ngụy Sài Gòn và trải qua 5 giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ tháng 7/1954 đến hết năm 1960, ta tập trung đấu tranh giữ gìn lực lượng, chuyển dần sang thế tiến công, làm thất bại bước đầu phương thức chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ. Giai đoạn 2: Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1965, ta giữ vững và phát triển thế tiến công, đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn 3: Từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968, Đảng phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam, đánh thắng chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ nhất ở miền Bắc. Giai đoạn 4: Từ năm 1969 đến năm 1973, quân và dân ta phát huy sức mạnh đoàn kết, chiến đấu của 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, làm thất bại một bước chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân lần thứ hai ở miền Bắc, tạo thế mạnh trong đàm phán. Giai đoạn 5: Từ cuối năm 1973 đến ngày 30/4/1975 là giai đoạn tạo thế và lực mới, tạo thời cơ, kiên quyết tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, kết thúc thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Thắng lợi ngày 30/4/1975 của nhân dân ta là một thắng lợi tiêu biểu của lực lượng cách mạng thế giới, đập tan cuộc phản công chiến lược lớn nhất (kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai) của chủ nghĩa đế quốc vào ba trào lưu cách mạng của thời đại, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, phá vỡ phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam châu Á; góp phần thúc đẩy mạnh mẽ cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì mục tiêu của thời đại là độc lập dân tộc, hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội; cổ vũ, động viên các dân tộc đang tiến hành công cuộc giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa đế quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Lào và Campuchia giành thắng lợi; mở đầu sự phá sản của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới.

Khôi Nguyên