Bộ Quốc phòng vừa tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; đại biểu lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng.
Tại hội nghị, Thiếu tướng Hàn Mạnh Thắng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng (Văn phòng Bộ Quốc phòng) công bố quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ Nghiên cứu.
Hội nghị cũng đã thông qua dự thảo quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo, Tổ Nghiên cứu; kế hoạch lập đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015.
Sau khi nghe báo cáo của các cơ quan chức năng, ý kiến đóng góp của các đại biểu, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương biểu dương Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu) - Cơ quan Thường trực và các cơ quan liên quan đã chuẩn bị tốt các nội dung cho hội nghị.
Đồng thời Thượng tướng Nguyễn Tân Cương yêu cầu Cục Quân lực phối hợp chặt chẽ với Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh kế hoạch xây dự án Luật và hồ sơ để trình các cấp theo quy định.
Quá trình xây dựng án Luật cần tham khảo Luật Nghĩa vụ quân sự của một số nước, trong đó cần xây dựng các chế độ, chính sách ưu tiên đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và thân nhân, bảo đảm phù hợp với điều kiện phát triển của nước ta hiện nay. Cùng với đó, bổ sung các chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm khắc đối với công dân, tổ chức vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Nhấn mạnh, bước đầu triển khai xây dựng dự án Luật có ý nghĩa hết sức quan trọng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương lưu ý các cơ quan tham gia xây dựng dự án Luật theo chức năng tập trung nghiên cứu chuyên sâu để hoàn chỉnh dự thảo, lập đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 bảo đảm sát thực tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Các ý kiến tại hội nghị đều thống nhất cho rằng, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp; quyền, lợi ích hợp pháp của quân nhân được bảo đảm và không ngừng nâng cao; góp phần xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển đất nước, tình hình an ninh chính trị thế giới, khu vực; yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, quá trình triển khai tổ chức thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, bất cập, được các địa phương, đơn vị và cử tri quan tâm đề xuất nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, trong đó tập trung vào một số nhóm vấn đề, như: Việc đăng ký, quản lý nghĩa vụ quân sự đối với công dân trong tuổi nhập ngũ; thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ; độ tuổi, số lần và thời điểm gọi công dân nhập ngũ; quy định hội đồng khám sức khỏe, nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự; bảo đảm công bằng trong khi thực hiện nghĩa vụ quân sự; chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân; xử lý vi phạm trong lĩnh vực nghĩa vụ quân sự…