Số ca mắc mới tăng 235% sau 1 tuần; biến chủng Omicron đã lan ra cộng đồng?

Huyền Văn
Số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận trên địa bàn Thủ đô đã tăng gần 235% chỉ sau 1 tuần (từ 5477 ca mắc ngày 21/2 lên 12580 ca mắc COVID-19 trong ngày 28/2.
nlntv-xet-nghi-m-pcr-1-16460653747371292625205-1646125055.jpg
Số ca mắc COVID-19 mới ở Hà Nội tiếp tục tăng mạnh. Tính đến hết ngày 27/2, có 466.461 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi; trong đó có hơn 98% F0 điều trị tại nhà.

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 27/2, có 466.461 F0 ở Hà Nội đang điều trị, theo dõi; trong đó có hơn 98% F0 điều trị tại nhà.

Số F0 còn lại điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố, quận, huyện và tại bệnh viện trung ương, thành phố.

Ngoài ra, tổng số lượt bệnh nhân tại Hà Nội được điều trị khỏi là 416.408 người.

Hôm qua (27/2), Hà Nội có 21 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay lên 1.064 người.

7 ngày ghi nhận 68149 ca mắc mới

Như vậy, chỉ sau 7 ngày (từ 22-28/2) Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 68149 ca mắc mới. Đáng chú ý số ca F0 ghi nhận trên địa bàn Thủ đô đã tăng gần 235% chỉ sau 1 tuần.

Cụ thể, theo thông tin về tình hình dịch do Bộ Y tế công bố: Ngày 21/2, Hà Nội ghi nhận 5477 ca mắc COVID-19; ngày 22/2 ghi nhận 6880 F0; ngày 23/2 có 7419 ca mắc; ngày 24/2 ghi nhận 8864 ca; ngày 25/2 ghi nhận 9836.

Ngày 26/2, lần đầu tiên số ca mắc trên địa bàn Thủ đô vượt mốc 10000 ca mắc COVID-19 trong 1 ngày với tổng số 10783 F0 được ghi nhận.

Ngày 27/2, số ca mắc trên địa bàn Hà Nội tiếp tục tăng nhanh với 11517 ca và ngày 28/2, số người mắc COVID-19 được ghi nhận là 12850 ca (tăng 235% so với ngày 21/2 là 5477 ca).

Phân bổ khẩn cấp 401.000 viên thuốc Molnupiravir

Trước số ca COVID-19 gia tăng, ngày 28/2, Sở Y tế Hà Nội đã có quyết định phân bổ khẩn 401.000 viên thuốc Molnupiravir 200mg điều trị COVID-19 cho 22 trung tâm y tế quận, huyện và 5 bệnh viện (gồm các bệnh viện: Tâm thần, Thanh Nhàn, Phổi, Đống Đa, Hà Đông).

Sở Y tế Hà Nội đề nghị giám đốc các đơn vị theo danh sách phân bổ thuốc Molnupiravir khẩn trương tiếp nhận thuốc, triển khai cấp phát cho F0 đủ điều kiện tham gia chương trình tại cơ sở thu dung, điều trị tại nhà, tránh việc để bệnh nhân diễn biến nặng phải chuyển tầng làm tăng áp lực lên các cơ sở y tế và cán bộ y tế.

Đồng thời, các đơn vị cập nhật ngay dữ liệu điều trị lên hệ thống đúng các quy định về quản lý, cấp phát, sử dụng thuốc Molnupiravir của Bộ Y tế.

Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo, người dân trên địa bàn thành phố khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc mất khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19 hoặc liên hệ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội qua số điện thoại (0969.082.115 hoặc 0949.396.115) để được tư vấn...

Khai báo y tế hằng ngày trên ứng dụng PC-Covid, nhất là những người có biểu hiện ho, sốt để góp phần giúp các cơ quan y tế kịp thời phát hiện, phân loại những ca F0 trong cộng đồng, nhằm chặn đứng, khóa chặt nguồn lây nhiễm.

Chủng Omicron đã lưu hành trong cộng đồng

Tại phiên họp với các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo công tác phòng chống dịch trước tình hình các ca mắc mới gia tăng, ngày 27/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: Hà Nội đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ chủng Omicron.

"Tuy chưa có kết quả giải trình tự gene, nhưng trên thực tế, có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành chủng Omicron song hành với chủng Delta", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói.

Dẫn đánh giá của các chuyên gia, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Nửa tháng nữa, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.

Thành phố Hà Nội đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã đến xã, phường, thị trấn cần tiếp tục phát huy hơn tính chủ động, sáng tạo, với mục tiêu cụ thể là đảm phục vụ tốt nhất, nhanh nhất đối với người dân.

hướng dẫn người dân phòng, chống dịch thích ứng, linh hoạt; thường xuyên theo dõi, nắm rõ các trường hợp bệnh nhân thể nhẹ, điều trị tại nhà; tập trung cao độ vào các trường hợp chuyển tầng, thể nặng…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Giám đốc Sở Y tế chủ trì, thành lập ngay Tổ công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo thành phố với đầu mối rõ, gọn nhẹ để kiểm tra, báo cáo hàng ngày các phần việc. Đặc biệt, cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở giải quyết tình trạng quá tải;

Liên ngành Y tế, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan liên quan nghiên cứu tăng cường sử dụng phần mềm quản lý F0 nhằm rút ngắn quy trình để giúp người dân giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm…

Để giảm tải cho hệ thống y tế cơ sở, ông Chu Ngọc Anh đề nghị phải phân bổ lực lượng cán bộ y tế phù hợp kịp thời chăm sóc F0; vận động sự vào cuộc của các lực lượng tình nguyện, thanh niên, mặt trận đoàn thể hỗ trợ…

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã rà soát ngay, thực hiện đầy đủ chính sách chế độ với các cán bộ y tế.

Các quận, huyện, thị xã tiếp tục đánh giá số liệu, đặc biệt quan tâm đến nhóm nguy cơ cao, phụ nữ mang thai, trẻ em chưa được tiêm, số F0 là trẻ em./.