Siết chặt xử lý vi phạm nồng độ cồn làm thay đổi thói quen sử dụng rượu bia của người dân

Đinh Thảo
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an siết chặt kiểm tra xử lý vi phạm nồng độ cồn trên cả nước, góp phần làm thay đổi thói quen uống rượu bia của người dân, mức phạt được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP).
anhr-1-1692862775.jpg
Cán bộ đội CSGT số 7 (PC 08 Công an TP Hà Nội) đo nồng độ cồn người tham gia giao thông

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, trong đó, tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đang nhận được nhiều sự quan tâm của dự luận. Trong thời gian vừa qua, lực lượng CSGT đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên ngành thực hiện cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, giảm trên nhiều mặt. Việc các lực lượng chức năng liên ngành tăng cường tuần tra và kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm nồng độ cồn đang từng bước tạo ra ý thức của người dân trong việc tuân thủ quy định của pháp luật không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã sử dụng rượu bia.

anh-2-1692862775.jpg
Cán bộ đội CSGT số 6 (PC 08 Công an TP Hà Nội) đo nồng độ cồn người tham gia giao thông

Sáu tháng đầu năm 2023, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã triển khai quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ. Kết quả xử lý vi phạm về TTATGT theo các chuyên đề, trong đó đặc biệt là chuyên đề vi phạm về nồng độ cồn được dư luận và quần chúng nhân dân ủng hộ. Qua theo dõi tình hình TTATGT, lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tới tai nạn giao thông. Trong đó, tập trung vào 03 nguyên nhân chính là: Vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; vi phạm về tốc độ và vi phạm về chở quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng xe. Để tạo chuyển biến tích cực tình hình TTATGT, thực hiện mục tiêu kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông bền vững, ngay từ tháng 6/2022, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch số 299/KH-BCA về tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm và Điện 76/HT của đồng chí Bộ trưởng về thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT.

Tai nạn giao thông 6 tháng đầu năm 2023 tiếp tục kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022 (giảm 17,76% số vụ, giảm 17,92% số người chết và giảm 10,95% số người bị thương); xử lý vi phạm tăng 21,38%, tiền phạt tăng 94,92% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xử lý vi phạm nồng độ cồn chiếm 22,24% các hành vi vi phạm…Cụ thể, theo báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, toàn quốc xảy ra 4.970 vụ tai nạn giao thông, làm chết 2.865 người, bị thương 3.471 người. So với cùng kỳ năm 2022 số vụ giảm 762 vụ (13,29%), giảm 484 người chết (14,45%), giảm 214 người bị thương (5,81%).

anh-3-1692862775.jpg
Biên bản vi phạm hành chính người sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông

Phải thẳng thắn thừa nhận, trước đây không ít lần, sau những đợt cao điểm ra quân xử lý vi phạm, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng chức năng có phần "nới lỏng", châm chước cho một số lỗi của người vi phạm, chỉ dừng lại ở mức nhắc nhở. Hơn nữa, trong quá trình xử lý vi phạm của người tham gia giao thông, khi đó vẫn còn tình trạng cán bộ, chiến sĩ CSGT cả nể do mối quan hệ quen biết với người vi phạm hoặc "ai đó" gọi điện nhờ vả, xin bỏ qua lỗi cho người vi phạm. Chính sự nhờ vả, can thiệp từ "bên ngoài" đã khiến lực lượng CSGT nhiều lúc lâm vào tình trạng rất khó xử. Do đó, cùng với những chỉ đạo quyết liệt của Bộ Công an và Công an các tỉnh trên cả nước huy động tối đa lực lượng CSGT và các lực lượng khác có liên quan tham gia tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, sử dụng trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm. Trong đó, tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tốc độ,… Việc xử lý vi phạm được lực lượng CSGT trên toàn quốc được thực hiện nghiêm minh, công bằng đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân.

Trong quá trình làm nhiệm vụ, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) thượng tôn pháp luật, mọi hành vi vi phạm của người tham gia giao thông đều bị xử lý nghiêm minh, công bằng, không chấp nhận "xin xỏ" hoặc những cuộc điện thoại "Alo giải cứu!...", bất kể người đó là ai. Thiếu tướng Nguyễn Văn Mừng, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (C08, Bộ Công an) cho biết, Bộ Công an thực hiện cao điểm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn đã giảm sâu ở cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ. Cũng theo TS Vũ Đức Long, Phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), số ca cấp cứu vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia tại bệnh viện đã giảm sâu kể từ đầu năm 2023. PGS, TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng Khoa Cấp cứu-Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ, bình thường các ca tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia nhập viện cấp cứu trong nhiều tình trạng khác nhau, các y, bác sĩ rất vất vả để cứu chữa do nạn nhân bị đa chấn thương và không còn tỉnh táo. PGS, TS Hoàng Bùi Hải cho biết thêm, khi lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm soát vi phạm về nồng độ cồn, số ca tai nạn giao thông nghi ngờ có sử dụng rượu, bia phải làm xét nghiệm nồng độ cồn đã giảm đến 1/3.

Kể từ khi Cảnh sát giao thông toàn quốc mở đợt cao điểm kiểm tra nồng độ cồn, ý thức của các lái xe cũng được nâng cao hơn, nhất là việc sử dụng rượu bia. Cũng từ đây, nhiều lái xe bỏ thói quen uống rượu bia hằng ngày, sức khỏe được nâng cao và tránh được nhiều vụ tai nạn không đáng có khi tham gia giao thông. Cùng với đó, người dân cũng đang hình thành ý thức về việc không tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia, khi chế tài xử phạt vi phạm này rất nghiêm và nặng.

anh-4-1692862775.jpg
Xe của người vi phạm nồng độ cồn được cẩu,kéo đưa về nơi tạm giữ phương tiện

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (16 vụ), làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, điển hình tại Quảng Nam xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết; tại Nghệ An xảy ra 1 vụ làm 3 người chết và 1 người bị thương; tại Hòa Bình xảy ra 1 vụ làm chết 3 người và 1 người bị thương…Tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng, trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, nhất là tại cửa ngõ ra, vào các thành phố lớn, nguyên nhân là do số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao.

Theo Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, đáng lưu ý, hành vi chống người thi hành công vụ trong quá trình xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao gia tăng (33 vụ, tăng 17 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Điều đáng nói, có phần lớn vụ việc chống người thi hành công vụ xảy ra khi tài xế kiểm tra nồng độ cồn. Trong thời gian tới, Cục Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục phối hợp với công an các địa phương kiên quyết xử lý các trường hợp chống người thi hành công vụ ở mức độ nghiêm khắc nhất để răn đe các đối tượng phạm tội.

Kết quả xử lý vi phạm chuyên đề nồng độ cồn được dư luận và quần chúng nhân dân ủng hộ. Câu chuyện về “xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn đã đi vào bữa cơm từng gia đình”. Mọi người trong gia đình, bạn bè nhắc nhở nhau đã uống rượu, bia thì không lái xe. Qua đó đã dần dần hình thành thói quen, văn hóa tham gia giao thông của người dân “không điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia” và hạn chế tình trạng gây mất an ninh, trật tự, gây tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do uống rượu, bia gây ra, trước tiên là trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sau đến toàn dân.

Lê Anh - Thế Mạnh