Sau Tết, thiếu nhân lực chất lượng cao

Việc thiếu hụt lao động sau Tết không trầm trọng nhưng vấn đề hiện nay là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao…
nhan-luc-chat-luong-cao-1644555352.jpg
Ảnh minh họa

Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 lao động. Sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào thời gian quý 2/2022, khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao. 

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, nhờ dự báo sớm, cảnh báo sớm nên chúng ta đã không để xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, và tạo ra được một thị trường lao động tương đối ổn định. Hiện thị trường lao động trong nước đang phục hồi khả quan.

Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, vấn đề hiện nay là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi thời gian vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19 nên có sự chuyển dịch lao động từ nhà máy này sang nhà máy khác, từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Vì vậy, các doanh nghiệp buộc vừa phải tiếp nhận nhưng vừa phải bồi dưỡng lao động.

Với những ngành nghề có công nghệ thấp, không cần lao động chất lượng cao thì có được ngay nguồn lao động, nhưng với những ngành nghề công nghệ cao, kỹ thuật cao đòi hỏi có thời gian phục hồi và lực lượng lao động chất lượng cao. Hiện các doanh nghiệp đang phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trung tâm hướng nghiệp để giải quyết vấn đề này.

“Vì vậy, trong khoảng cuối quý 1, đầu quý 2/2022, chúng ta sẽ cơ bản đảm bảo được lực lượng lao động chất lượng cao như mong muốn”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Nhu cầu nhân lực chất lượng cao sau Tết cũng xảy ra ở các thị trường lao động lớn. Tại TP.HCM, khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM thì sau Tết nhu cầu tuyển dụng nhân lực đã qua đào tạo chiếm đến 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%.

Còn tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đánh giá, tình trạng “nhảy việc” sau Tết hiện nay gần như không xảy ra. Điều này thể hiện qua việc số lao động đến làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 trên địa bàn Hà Nội giảm hơn so với các năm trước gần 20.000 lượt người.

Theo ông Thành, sau Tết các doanh nghiệp cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch Covid-19 trong bối cảnh bình thường mới. “Theo quy luật hàng năm, thông thường nhu cầu tuyển dụng vào đầu năm sẽ tăng hơn so với các thời điểm khác. Chúng tôi cũng đang rà soát cụ thể để đánh giá rõ hơn về xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp trong thời gian tới”, ông Vũ Quang Thành cho biết.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện có 70% lao động qua đào tạo nhưng chỉ 24,5% có bằng cấp, chứng chỉ. Do đó, để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển đất nước thì đào tạo nghề chất lượng cao phải là một mũi nhọn. Vì vậy, Bộ xác định, từ năm 2022 trở đi phải tập trung xây dựng nền móng để đào tạo nghề chất lượng cao.