Trong thời gian từ ngày 1/8 đến ngày 4/8, các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên đại diện cho 24 tỉnh, thành sẽ tham gia dự thi các nội dung từ ẩm thực, trình diễn nghi lễ truyền thống, trình diễn dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, trang phục truyền thống,…
Tham dự lễ khai mạc gồm có Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở; ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh: ông Trần Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở; lãnh đạo các sở, ngành và cùng gần 1000 nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên đến từ 24 đoàn từ các tỉnh, thành phố.
Hội thi nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực của các dân tộc trên toàn quốc, đồng thời khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh: “Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đa dạng, được nhiều thế hệ sáng tạo và lưu truyền cho đến ngày nay. Kho tàng di sản văn hóa ấy là nguồn tài nguyên quý giá, là nguồn lực nội sinh để các thế hệ hôm nay tiếp tục kế thừa, vun đắp, bảo tồn và phát huy.
Tại lễ khai mạc đã diễn ra hoạt động rước biểu tượng vật thiêng, trình diễn nhạc cụ dân tộc, hòa tấu cồng chiêng,… thực hiện các nghi lễ, nghi thức truyền thống của mỗi địa phương trong hoạt động diễu hành nghệ thuật.
Hội thi quy tụ các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên từ 24 tỉnh, thành trên các nước đến tham dự và biểu diễn. Đây là dịp để những con người tâm huyết với việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau trò chuyện, góp phần giữ gìn và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc.
Phó cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Quốc Huy cũng cho biết, Việt Nam ta có hàng nghìn di sản văn hóa phi vật thể đang được gìn giữ, trong đó nhiều di sản đã được UNESCO ghi danh hoặc được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Hiện nay, việc bảo tồn và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được chú trọng. Nhiều lễ hội truyền thống được duy trì, gắn với phong tục, nghệ thuật trình diễn, văn hóa ẩm thực và trang phục truyền thống. Nhiều tập quán của đồng bào các dân tộc được nghiên cứu và phục dựng, bảo đảm sự đa dạng và phong phú của sắc thái văn hóa các vùng miền. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cá nhân và đơn vị tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã được biểu dương, lan tỏa để thêm củng cố vai trò của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc”, ông Huy cho biết.