Trong bảng xếp hạng các quốc gia dẫn đầu về cung ứng dịch vụ offshore do Statista công bố, Việt Nam đứng thứ 6. Chi phí sản xuất và môi trường kinh doanh thuận lợi là 2 yếu tố chính giúp Việt Nam ghi điểm trên bảng xếp hạng này. Tuy nhiên, chỉ số về kỹ năng và mức độ sẵn có của nguồn nhân lực Việt Nam xếp cuối trên 6 quốc gia đứng đầu. Năng lực digital của Việt Nam cũng không ở mức quá cao trong toàn bảng xếp hạng.
Trong riêng mảng outsourcing phần mềm, khi dùng Google để tìm kiếm quốc gia dẫn đầu cung ứng dịch vụ này, trong 28 triệu kết quả trả về sau chưa đầy 1 giây, Ấn Độ luôn ở vị trí số 1, là nước đóng góp 55% trong mảng outsourcing phần mềm toàn cầu với 62% các dự án đến từ Mỹ, 17% từ Anh, 11% từ các nước châu Âu, 8% từ Châu Á Thái Bình Dương và 2% từ các nơi khác.
Mặc dù có nhiều tên tuổi đang lên trong mảng outsourcing phần mềm song Ấn Độ vẫn giữ vững vị thế của mình. Lý giải cho điều này, ngoài chi phí cạnh tranh - điều mà các nhân lực ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam cũng có lợi thế, thì Ấn Độ còn không gặp phải rào cản về mặt ngôn ngữ (tiếng Anh). Ấn Độ hiện xếp thứ 48 trong bảng xếp hạng chỉ số thông thạo tiếng Anh toàn cầu EF English Proficiency Index (EF EPI) được công bố thường niên. Việt Nam xếp hạng 66/112 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát, ở mức thông thạo tiếng Anh thấp.
Kỹ năng mềm và kiến thức kỹ thuật của nhân lực công nghệ thông tin Ấn Độ cũng đáp ứng đòi hỏi của các dự án outsourcing từ khắp thế giới. Không dừng lại ở gia công phần mềm chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, các công ty Ấn Độ còn là đơn vị tư vấn và đưa ra những chiến lược xây dựng, phát triển phần mềm chi tiết qua từng giai đoạn. Tư duy phát triển phần mềm của đội ngũ kỹ thuật tại những tập đoàn outsourcing hàng đầu Ấn Độ không đơn thuần chỉ là hoàn thành yêu cầu đúng kỳ hạn, trao toàn quyền quyết định cho khách hàng sau khi đã bàn giao sản phẩm mà họ còn đồng hành với khách hàng trong suốt thời gian sản phẩm tồn tại trên thị trường.
Trong khi đó, tại Việt Nam, bên cạnh việc thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu về kỹ năng mềm trong giải quyết công việc, vận hành dự án lẫn kiến thức kỹ thuật của nhân lực công nghệ thông tin, một câu hỏi thường gặp của các bạn sinh viên công nghệ mới ra trường là nên làm sản phẩm (làm việc trực tiếp cho công ty công nghệ có lợi nhuận từ sản phẩm, dịch vụ (product) hay làm outsourcing.
Thay vì tìm cách nâng cao kỹ năng và tay nghề chung để mang đến giá trị cho bất cứ loại hình sản phẩm dịch vụ nào thì việc băn khoăn giữa làm product và outsourcing vô hình trung đã tạo ra những định kiến và rào cản tâm lý như: làm outsourcing thì máy móc, chỉ làm theo yêu cầu của khách hàng, khả năng sáng tạo kém, thiếu tính trách nhiệm, bảo thủ... Lối mòn về mặt tư duy này đã làm chậm lại, hoặc thậm chí bào mòn khả năng tăng trưởng của ngành outsourcing Việt Nam.
Theo ông Giang Hải Anh, Giám đốc Phát triển Nhân sự tại NAL Solutions, doanh nghiệp cũng gặp trở ngại trong chiến lược xây dựng đội ngũ kỹ thuật 1.000 người, nhất là khi công ty nhận đầu tư lớn từ Mynavi - một tập đoàn hàng đầu Nhật Bản.
"Với định hướng xây dựng đội ngũ outsourcing có tư duy làm sản phẩm, có khả năng tư vấn, định hướng để đi đường dài với các khách hàng toàn cầu, thử thách này là một bài toán khó với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn tầm thế giới", vị này nói.