Bước chuyển ban đầu về nhân lực
Xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) là xã biên giới, với hơn 95% là đồng bào DTTS. Cách đây hơn 5 năm, xã Mường Pồn nổi lên tình trạng nhiều người dân vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đến nay, hầu hết các hủ tục được xóa bỏ, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn 15%. Xã cơ bản đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới. Thành công này một phần nhờ đội ngũ cán bộ xã là người DTTS am hiểu đồng bào, thực sự gần dân và nói dân nghe.
Được biết, thực hiện Quyết định số 942/QĐ-UBND ngày 26-7-2016 của UBND tỉnh Điện Biên về phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, Đảng ủy xã Mường Pồn đã tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, cán bộ chuyên trách xã tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn và lý luận chính trị. Nhờ đó, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không ngừng nâng lên. Nhiệm kỳ 2020-2025, số ủy viên Ban chấp hành là người DTTS có 13/15 đồng chí (đạt tỷ lệ 86,7%), số lượng cán bộ, công chức người DTTS là 19/20. Về chuyên môn, có 15/20 cán bộ đạt trình độ cao đẳng, đại học. Nhiều đồng chí được tổ chức quy hoạch, bổ nhiệm vị trí chủ trì, chủ chốt đã khẳng định vai trò nòng cốt, hạt nhân trong lãnh đạo.
Trao đổi với chúng tôi, ông Giàng A Dình, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: "Điện Biên có dân số hơn 60 vạn người, gồm 19 dân tộc, trong đó DTTS chiếm 82,6%. Tỉnh luôn xác định phát triển nhân lực là nhân tố đặc biệt quan trọng, quyết định sự thành công trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của địa phương". Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 15-6-2016 của Chính phủ về đẩy mạnh và phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch; triển khai các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gắn đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nguồn nhân lực với thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.
5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên yên tâm công tác, quy mô trường học được mở rộng, tỷ lệ huy động dân số trong độ tuổi đến trường tăng, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Hệ thống y tế thôn, bản được củng cố. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS nâng lên. Trong đó, công chức người DTTS cấp tỉnh, cấp huyện là 474/1.912 người, chiếm 24,7%; lý luận chính trị cao cấp và cử nhân là 96 người...
Thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Sơn La ban hành Kế hoạch số 37-KH-UBND ngày 3-3-2017 về đẩy mạnh và phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016-2020. Nhờ đó, thời gian qua, số lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Sơn La được hỗ trợ học nghề là hơn 42.100 người; có gần 2.420 cán bộ, công chức xã được đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tỷ lệ người DTTS được đào tạo là 87%, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 95%...
Những kết quả trên cho thấy, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến các chính sách an sinh xã hội và phát triển nguồn nhân lực cho người DTTS. Nghị quyết số 52/NQ-CP thực sự đi vào cuộc sống, với những kết quả đạt được là tiền đề thuận lợi thúc đẩy sự phát triển toàn diện về y tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo tại các tỉnh Tây Bắc.
Vẫn "khát" nhân lực chất lượng cao
Bên cạnh kết quả đạt được, báo cáo sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ ở tỉnh Điện Biên khẳng định: Thời gian qua, tuy đã nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của Trung ương, sự quyết tâm nỗ lực của địa phương nhưng với tỉnh nghèo như Điện Biên, nguồn ngân sách còn hạn chế, số người DTTS được hưởng các chính sách ưu đãi chiếm tỷ lệ cao nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế để triển khai nghị quyết.
Có thể thấy, hiện nay, tổ chức mạng lưới y tế tuyến cơ sở còn hạn chế về quản lý nhà nước; thiếu bác sĩ chuyên sâu tại tuyến tỉnh, huyện. Các chỉ số sức khỏe tuy được nâng lên nhưng vẫn ở mức thấp. Tỷ lệ lao động nông thôn là người DTTS tham gia học nghề phi nông nghiệp có việc làm và thu nhập ổn định chưa cao. Bên cạnh đó, một số chính sách đối với giáo dục chưa phù hợp với thực tế tỉnh Điện Biên, như: Chế độ học bổng của học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú thấp; chưa có chính sách hỗ trợ ăn trưa với các bé ở nhà trẻ. Giáo viên trường phổ thông có học sinh bán trú chưa được hưởng chế độ như giáo viên trường bán trú...
Tại buổi làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy Sơn La mới đây, chúng tôi được biết: Tính đến năm 2020, toàn tỉnh Sơn La còn hơn 500 sinh viên cử tuyển, nhiều nhất là lĩnh vực giáo dục, văn hóa, xây dựng. Việc sắp xếp việc làm cho sinh viên người DTTS tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp gặp khó khăn trong bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn và chỉ tiêu biên chế. Một số sinh viên cử tuyển ra trường năng lực chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu công việc. Hiện nay, Sơn La còn thiếu cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế, quy hoạch, kiến trúc, y tế. Một bộ phận cán bộ DTTS cấp xã chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Theo số liệu, 6 tỉnh Tây Bắc có dân số khoảng 4,7 triệu người, trong đó DTTS có hơn 3,5 triệu người, chiếm hơn 74%. Nhân lực DTTS các tỉnh Tây Bắc được đánh giá là có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp; số lượng, cơ cấu và chất lượng nhân lực các DTTS chưa theo kịp sự phát triển và yêu cầu thực tiễn. Nhìn tổng thể, Tây Bắc vẫn là khu vực có kinh tế chậm phát triển so với cả nước, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Giáo dục, đào tạo là yếu tố quyết định
Triển khai thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 52/NQ-CP về phát triển nguồn nhân lực cho người DTTS, tỉnh Điện Biên đề xuất giải pháp nâng cao trình độ dân trí thông qua xóa mù chữ, phổ cập giáo dục. Thời gian tới, tỉnh chú trọng thực hiện công tác đào tạo nhân lực y tế, giáo dục, đáp ứng yêu cầu cả chuyên môn, nghiệp vụ trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Tỉnh cũng sẽ tăng cường kết nối vùng đồng bào DTTS, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý, đào tạo trên địa bàn. Các đơn vị cần thay đổi cách tiếp cận chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm gắn với phát triển nguồn nhân lực theo hướng chính sách xuất phát từ nhu cầu thực tế người lao động. Giảm hỗ trợ trực tiếp, tăng hỗ trợ có điều kiện.
Khảo sát các tỉnh Tây Bắc, chúng tôi thấy, hiện nay ở một số địa phương, nhiều chế độ, chính sách đang bị cắt giảm. Tuy nhiên, thực tế đời sống cán bộ, công chức, viên chức người DTTS còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, nên chăng Chính phủ cần tiếp tục quan tâm, bổ sung các cơ chế chính sách đặc thù nhằm ổn định đời sống cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người có thời gian công tác lâu năm tại vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn.
Gần đây, tại Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vùng DTTS và miền núi trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững” tại tỉnh Sơn La, hầu hết các ý kiến thảo luận đều cho rằng, công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng DTTS và miền núi là yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi. Việc cần kíp là đánh giá và lựa chọn mô hình đào tạo phù hợp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; thường xuyên đổi mới nội dung, cách thức đào tạo phù hợp với nhu cầu và khả năng tiếp thu của nhân lực DTTS, phù hợp với điều kiện vùng; có các chính sách bồi dưỡng dự bị đại học và đào tạo cử tuyển cho con em DTTS.