Quảng Trị: Hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam

Võ Việt
Trong những ngày tháng 5 rực nắng hừng hực phả vào người từ cơn gió Lào hanh khô trải đều trên diện rộng khắp miền đất lửa Quảng Trị; Đảng bộ, UBND cùng các Sở, Ban ngành hữu quan tỉnh Quảng Trị; Đảng bộ và UBND huyện Cam Lộ đang lên kế hoạch nhằm tổ chức cho sự kiện trọng đại sẽ diễn ra tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ vào ngày 06/6. Đó là Lễ kỷ niệm 50 năm Khu di tịch lịch sử quốc gia đặc biệt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
h-1-1685508753.JPG
Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tọa lạc tại số 02 đường Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ.

Khu di tích trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nằm trong lòng thị trấn Cam Lộ, cách TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) chừng 12 km về phía Tây (đường QL 9 lên cửa khẩu quốc tế Lao Bảo). Nơi đây, năm 1829, Vua Minh Mạng cho xây dựng thành Vĩnh Ninh - Lỵ Sở. Sau này, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn diện tích 17.300 m2 của khuôn viên thành Vĩnh Ninh cũ để đặt trung tâm đầu não hoạt động công khai, tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

h-2-1685508754.JPG
Nhà trình quốc thư tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời ngày 06/6/1969 trên cơ sở Hiệp thương giữa Mặt trân dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ đầy hy sinh xương máu của đồng bào, chiến sỹ miền Nam. Là cột mốc lịch sử đánh dấu thành quả vẻ vang của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc.

h-3-1685508753.JPG
Bia đá ghi dấu lịch sử xây dựng và hoạt động của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại khu di tích.

Theo lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước được khắc ghi tại khu di tích, với thắng lợi của chiến dịch 1972 oai hùng ngày 01/5/1972, tỉnh lỵ và đại bộ phận tỉnh Quảng Trị được giải phóng. Sau Hiệp định Pari được ký kết, Bộ Chính trị đã quyết định cho xây dựng trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Cam Lộ nhằm tạo vị thế cho Uỷ ban cố vấn và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thực hiện các hoạt động ngoại giao và tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh ở miền Nam đến thắng lợi hoàn toàn.

h-4-1685508754.JPG
Một góc nơi nhà trưng bày hiện vật và hình ảnh tại khu di tích.

Khu trụ sở được xây dựng bao gồm 2 khu độc lập, trong đó khu A với 2 nhà làm việc của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, 1 nhà ăn; khu B gồm 5 dãy nhà, trong đó có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các Đại sứ, 3 nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo Đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên, cán bộ của Chính phủ...

Trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được xây dựng từ ngày 06/5/1973, hoàn thành ngày 06/6/1973; tại đây đã diễn ra lễ mít tinh trọng thể, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra mắt quốc dân đồng bào trước sự chào mừng của hàng vạn đồng bào và chiến sỹ Quảng Trị, cùng đại biểu 19 nước và đông đảo phóng viên báo chí quốc tế. Đại sứ các nước đã đến đây trình Quốc thư và tại đây cũng đã đón tiếp nhiều vị lãnh tụ các nước như: Fidel Castro - Chủ tịch Đảng Cộng sản Cu Ba, Georges Marchais - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp.

h-5-1685508753.JPG
Những hình ảnh ghi lại hoạt động của lãnh đạo Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại nhà trưng bày.

Khu trụ sở Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được Bộ Văn hoá xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ngày 25/01/1991.

Sau năm 1975, khi Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam kết thúc vai trò lịch sử của mình, trụ sở được chuyển giao cho cơ quan dân sự quản lý. Cơn bão số 8 năm 1985 đã tàn phá hầu như toàn bộ khu trụ sở. Ngày ngay, tại khu di tích chỉ có nhà làm việc của Chính phủ và nhà nghỉ của các Đại sứ; còn lại những dãy nhà khác chỉ là nền móng và bia đá ghi dấu. Hiện nay, khu di tích được giao cho UBND huyện Cam Lộ quản lý.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nhấn mạnh (khắc trên bia đá tại di tích): “Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử. Nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại”.

h-6-1685508753.jpg
Chiếc xe Volga cổ tại khu di tích được sử dụng để phục vụ cho Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình, các lãnh tụ và các Đại sứ nước bạn.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Trị, vào sáng ngày 06/6 tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra hội thảo khoa học: “Bằng chứng lịch sử và vai trò của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Từ 19h00 ngày 06/6, tại Khu di tích (số 02 đường Nguyễn Hữu Thọ) sẽ diễn ra chương trình lễ kỷ niệm chính thức. Đến 20h35, hoạt động chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh: “Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình”.

Tham dự và phát biểu tại sự kiện trọng đại này có: Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên BCT, Thủ tướng Chính phủ; ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bà Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; bà Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước (nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương).

Lễ kỷ niệm sẽ kết thúc vào lúc 22h00 cùng ngày.

Linh Cơ