Vừa qua, Công an quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) đã làm việc với Bệnh viện 1A về trường hợp chị N.T.N.N. (sinh năm 1989, ở tỉnh Ðồng Tháp) bị tử vong khi phẫu thuật nâng ngực. Trước đó, chị N. cùng người nhà đến Bệnh viện 1A để phẫu thuật nâng ngực. Do chờ chị N. quá lâu, người nhà hỏi nhân viên y tế thì được trả lời: “Bệnh nhân gây mê, chưa tỉnh”. Người nhà chị N. rất lo lắng và đi tìm phòng bệnh thì phát hiện chị đã qua đời...
Trước đấy, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội), đang điều tra nguyên nhân chị P.T.D.H. (22 tuổi, quê Long An) tử vong nghi do liên quan việc nâng mũi tại một cơ sở làm đẹp không được cấp giấy phép hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ ở ngõ 174 phố Tân Mai, phường Tương Mai. Cụ thể, vào chiều 14/1/2022, chị P.T.D.H. đến thực hiện nâng mũi tại cơ sở do H.M.P. (28 tuổi, ở Hà Nội) làm chủ. Trong khi phẫu thuật, H. có biểu hiện bất thường về sức khỏe dẫn đến hôn mê nên phải cấp cứu. Sau hai tháng nằm viện điều trị, chị H. đã chết... Ðây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc dẫn đến tử vong mà nạn nhân là người được phẫu thuật thẩm mỹ.
Hiện nay, nhu cầu làm đẹp, tân trang nhan sắc cơ thể được cả nam và nữ giới rất ưa chuộng. Cụ thể, nhiều phụ nữ muốn ngực đẹp, eo thon thì lựa chọn phẫu thuật nâng ngực, hút mỡ bụng; muốn mũi cao, dọc dừa thì nâng mũi. Ðàn ông muốn khuôn mặt đẹp trai, ưa nhìn có thể gọt xương cằm, xương má,... Nắm bắt nhu cầu này, các cơ sở chăm sóc sắc đẹp, thẩm mỹ viện, spa,... mọc lên như “nấm” sau mưa, chưa kể đến đội ngũ nhân viên thẩm mỹ viện “dạo” (không bằng cấp, không chứng chỉ và sẵn sàng đến nhà thực hiện các thủ thuật can thiệp về y tế). Ðể lôi kéo và tạo sự tin tưởng của các khách hàng, các cơ sở dùng đủ các chiêu trò quảng cáo, thậm chí giảm giá, khuyến mại khi đăng ký thực hiện phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ. Mặc dù đây là nhu cầu chính đáng, nhưng bên cạnh những ca phẫu thuật thành công mang lại niềm vui cho cá nhân, gia đình người được thực hiện thẩm mỹ thì cũng là nỗi buồn do mất mát người thân.
Trao đổi với Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Phương Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Phúc Thọ (Hà Nội), các nhóm nguyên nhân dẫn đến tử vong khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật nhất là trong phẫu thuật và tạo hình thẩm mỹ gồm: Do phản vệ, bởi khi đưa dị nguyên vào cơ thể, thường gặp nhất là thuốc mê, thuốc tê, chất làm trắng da, chất làm đầy... khiến cơ thể phản vệ. Do tắc mạch, đây là quá trình phẫu thuật, thủ thuật tổ chức mỡ của cơ thể lọt vào lòng mạch, tắc mạch cũng có thể diễn ra do việc tiêm nhầm chất làm đầy vào lòng mạch hoặc đuổi khí không hết trong quá trình tiêm truyền. Nếu tắc tại mạch vành, mạch phổi, mạch não bệnh nhân sẽ nhanh chóng diễn biến nặng và có thể tử vong.
Do bệnh lý nền của người bệnh, phần lớn các bệnh lý nền sẽ có xu hướng diễn biến nặng hơn khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật như bệnh lý tim mạch, hô hấp, chuyển hóa... Do sai sót chuyên môn, kỹ thuật là do khí đầu vào, máy móc không chính xác, đặt nội khí quản không đúng, sai liều lượng, chủng loại thuốc, phẫu thuật gây chảy máu thương tổn cơ quan lân cận không được xử lý tốt, chăm sóc sau mổ không tốt gây viêm nhiễm, thải ghép, hoại tử, thậm chí nhiễm khuẩn huyết...
Về lý thuyết, các nguyên nhân nêu trên đều có thể khắc phục nếu thực hiện đầy đủ các quy trình từ quản lý trang thiết bị tới sàng lọc, thăm khám trước mổ; thực hiện phẫu thuật; hồi sức, chăm sóc và theo dõi sau mổ. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần một ê-kíp lớn, thành thạo và việc đó gần như bất khả thi tại các bệnh viện tư nhân nhỏ và các phòng khám nhỏ.
Nếu cơ sở thẩm mỹ viện không có giấy phép phù hợp thì theo Ðiều 39, Nghị định 117/2020/NÐ-CP của Chính phủ, mức phạt sẽ là 40-50 triệu đồng, hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn 12-24 tháng. Trường hợp vi phạm quy tắc, quy định về quy trình, chuyên môn kỹ thuật trong quá trình thực hiện thẩm mỹ quy định tại Ðiều 40 Nghị định nêu trên thì có thể bị phạt tiền từ 1-50 triệu đồng và có thể kèm theo các hình thức xử phạt bổ sung khác. Nếu người được làm phẫu thuật, thủ thuật thẩm mỹ bị chết thì tùy thuộc hành vi khách quan và kết quả điều tra của cơ quan chức năng mà những người có liên quan có thể bị xử lý về một trong các hành vi như vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp (Ðiều 129); vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh hoặc các dịch vụ y tế khác (Ðiều 315) được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Luật sư HOÀNG VĂN CHIỂN
(Văn phòng Luật sư Vinh Quang Công Lý-Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội)
Các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải đáp ứng đầy đủ, nghiêm ngặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định 155/2018/NÐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ. Về nhân sự, bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề với phạm vi hoạt động chuyên môn chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ. Có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề. Người hành nghề khác của cơ sở phải có chứng chỉ hành nghề có phạm vi chuyên môn phù hợp và phải được lãnh đạo sở y tế phê duyệt vào danh sách. Trước khi hoạt động, các cơ sở này phải làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép và được sở y tế nơi cơ sở đăng ký hoạt động, thẩm định theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và nghị định nêu trên. Sau khi được cấp giấy phép, cơ sở mới chính thức được hoạt động khám bệnh, chữa bệnh...
Bác sĩ NGUYỄN TRỌNG DIỆN
Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh