Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Đinh Thảo
Nhằm tôn vinh vai trò của sở hữu trí tuệ trong đời sống nâng cao nhận thức của cộng đồng về sở hữu trí tuệ, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chọn ngày 26/4 hàng năm là ngày “Sở hữu trí tuệ thế giới”.
giai-thuong-kovalevskaia-32023a-1680507104.jpg
GS, TS Lê Minh Thắng hướng dẫn sinh viên trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Năm 2023, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã công bố chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới: “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo” là dịp để tôn vinh tất cả những người phụ nữ tài năng trên toàn thế giới; hướng tới bình đẳng giới trong hoạt động sở hữu trí tuệ, giải phóng sự khéo léo, sáng tạo của phụ nữ và trẻ em gái ở khắp mọi nơi, có thể xây dựng một ngày mai tốt đẹp hơn.

Phụ nữ mang đến những quan điểm, tài năng mới nhưng hiện rất ít phụ nữ tham gia vào hệ thống sở hữu trí tuệ. Điều đó có nghĩa là có quá ít phụ nữ được hưởng lợi từ sở hữu trí tuệ. Trải qua nhiều thế hệ, phụ nữ đã định hình thế giới của chúng ta bằng sự khéo léo, sáng tạo của mình. Phụ nữ có mặt ở khắp mọi nơi, đang thúc đẩy các đột phá khoa học; thiết lập xu hướng sáng tạo mới; tạo dựng doanh nghiệp, làm biến đổi thế giới của chúng ta.

Thực tế hiện nay cho thấy nữ trí thức ngày càng có vai trò quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu khoa học, lãnh đạo các doanh nghiệp và có nhiều công trình nghiên cứu, lao động sản xuất, sáng tạo. Vì vậy, việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ gắn liền với phát triển thị trường khoa học và công nghệ là điều vô cùng cần thiết, giúp bảo vệ quyền lợi cho các kết quả nghiên cứu của nữ trí thức khoa học nói riêng, các nhà khoa học nói chung.

Tổ chức Sở hữu thế giới cho rằng, mọi người, ở khắp mọi nơi, đều có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để bảo vệ công nghệ, thương hiệu và sự sáng tạo của mình. Phụ nữ chiếm gần một nửa dân số toàn cầu. Họ là nguồn tài năng to lớn. Tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ việc tích cực khuyến khích phụ nữ sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ.

Đại diện Tổ chức Sở hữu thế giới khuyến cáo cần khuyến khích nhiều phụ nữ hơn sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ để bảo vệ và gia tăng giá trị cho công việc. Bằng cách đó, chúng ta có thể: Phát triển các công nghệ ngày càng nhiều hơn và tốt hơn phục vụ con người; tạo ra nhiều hơn các doanh nghiệp thành đạt do phụ nữ lãnh đạo; hỗ trợ phục hồi kinh tế và phát triển trở lại tốt hơn.

Khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ trong đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết các thách thức xã hội trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh nghiệp khởi nghiệp và do phụ nữ lãnh đạo cũng bị tác động rất nhiều. Nhưng ở khía cạnh khác, chúng ta cũng nhìn nhận vai trò và các doanh nghiệp khởi nghiệp do nữ đứng đầu, đã thành công đối phó với đại dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp không ngừng tăng trưởng hoặc khởi nghiệp trong giai đoạn thách thức này. Không chỉ kinh doanh thành công, các doanh nghiệp và khởi nghiệp do phụ nữ lãnh đạo còn rất quan tâm đến việc giải quyết các thách thức xã hội trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh, thời gian tới, cần quan tâm tới giải pháp thúc đẩy hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà khoa học, tập đoàn, nhà đầu tư để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp của phụ nữ, giúp đảm bảo về chất lượng sản phẩm và tính mới của sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nữ mới thành lập; liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại.