Phóng sự ảnh: Voọc chà vá chân nâu – Nữ hoàng linh trưởng còn lại nhiều nhất ở Việt Nam

Đinh Thảo
Voọc chà vá chân nâu được xếp hạng Nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN), chỉ sinh sống tại khu vực Đông Dương. Theo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Sơn Trà (Đà Nẵng) đang là ngôi nhà sinh sống của hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu. Đây là quần thể lớn nhất, bền vững nhất hiện nay của loài.
vooc-cha-va-chan-nau-1-1688032827.jpg
Có rất nhiều tên gọi khác nhau, trong đó tên được dùng phổ biến trong các văn bản, nghị định, luật của nhà nước Việt Nam là Voọc chà vá chân nâu. Ngoài ra, còn có tên khác như Chà vá chân đỏ (tên dịch ra từ tên Tiếng Anh). Ở các vùng miền khác nhau trong các tỉnh có vùng phân bố của Voọc chà vá chân nâu thì còn có nhiều tên gọi theo vùng miền.
vooc-cha-va-chan-nau-2-1688032827.jpg
Mỗi cái tên khác nhau đều có cách lý giải riêng của từng vùng miền và đặc điểm riêng biệt để nhận dạng. Người dân ở xung quanh bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng thường gọi con Voọc chà vá chân nâu là con “Giáo hoàng” vì nó mặc bộ áo lông màu sặc sỡ và quyền quý. Hoặc người ta gọi “Khỉ bảy màu” vì nó khoác tấm áo có đến 7 màu sắc khác nhau.
vooc-cha-va-chan-nau-2b-1688032827.jpg
Ít gọi hơn là cái tên “Khỉ chú lính” vì trên đầu có đội cái mũ bê rê dải màu đen trên trán.
vooc-cha-va-chan-nau-3-1688032827.jpg
Và cuối cùng là “Giấu đầu hở đuôi” vì khi nó sợ người sẽ lấy các cành lá che mặt, để thòng lòng mấy cái đuôi dài trắng muốt đu đưa rất dễ nhận thấy.
vooc-cha-va-chan-nau-4-1688032881.jpg
Trên thế giới, các nghiên cứu và khảo sát đã xác định được loài Voọc chà vá chân nâu chỉ phân bố dọc theo dãy Trường Sơn trong các vùng rừng giáp ranh giữa phía Nam của Lào và miền Trung Việt Nam, và một phần nhỏ ở Đông Bắc Campuchia. Do các khu vực có sự phân bố khác của Voọc chà vá chân nâu sinh sống chưa được khảo sát cụ thể về mức độ phong phú, mật độ quẩn thể nên Sơn Trà được xem như khu vực có mật đồ quần thể Voọc chà vá chân nâu cao nhất trên thế giới.
vooc-cha-va-chan-nau-7-1688033033.jpg
Danh lục đỏ của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) năm 2008 xếp hạng loài này ở mức Nguy Cấp (EN). Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới nhất thì IUCN sẽ đưa loài Chà vá chân nâu lên mức Cực kỳ nguy cấp vì những lo ngại về các mối đe dọa ngày càng lớn đối với sự tồn tại của loài này ngoài tự nhiên.
vooc-cha-va-chan-nau-5-1688032827.jpg
Thống kê của Tổ chức bảo tồn linh trưởng thế giới (DLF) báo cáo với Chi cục kiểm lâm thành phố ghi nhận tại Sơn Trà, năm 2013 có khoảng 300-350 cá thể, đến năm 2017 có khoảng 1.300 cá thể Voọc chà vá chân nâu. Con số cho thấy công tác bảo tồn nguồn gien và loài trước nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam có sự tiến triển tốt đẹp.
vooc-cha-va-chan-nau-6-1688032827.jpg
Với sự giúp sức nhiệt tình từ bạn bè, đồng nghiệp quốc tế thông qua hoạt động trao đổi khoa học với các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Colorado (Hoa Kỳ) năm 2022-2023, nhiều thông tin giá trị đã được cung cấp cho rất nhiều nhà khoa học, nhà báo và các đại biểu từ cơ quan nhà nước, lấy đó làm cơ sở để có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo tồn nguồn gien và bảo tồn loài voọc này.

Năm 2017, Thành ủy Đà Nẵng thống nhất chủ trương chọn Voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà làm hình ảnh nhận diện TP. Đà Nẵng nhân sự kiện năm APEC. Đà Nẵng chọn loài linh trưởng này với hy vọng gửi đi thông điệp đến bạn bè quốc tế về “thành phố thân thiện môi trường”./.

Anh Ngọc, Hồ Xuân Mai