Tham dự Hội thảo, có TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM); bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế; ông Phạm Văn Hùng - Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Nguyễn Thanh Hưng - Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM); cùng đông đảo các diễn giả, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - khẳng định, trong trong những năm gần đây, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc; người dân từ chỗ không quen với mô hình mua sắm trực tuyến thì nay đã quen thuộc và coi đó như một xu hướng tất yếu trong giao dịch thương mại.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, để TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho TMĐT. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử để kích thích TMĐT phát triển thông qua việc giảm chỉ số tiền mặt trên tổng số phương tiện thanh toán.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế - cho biết: Đến giữa năm 2022, tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 03 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài.
Các tổ chức, cá nhân có doanh thu hàng năm từ kinh doanh TMĐT, cung cấp các dịch vụ cho Google, Facebook, Youtube lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Các khoản thu này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhưng chưa kê khai nộp thuế đầy đủ...
Bà Nguyễn Thị Cúc cho biết: Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã quyết liệt chỉ đạo các Cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có các hoạt động kinh doanh TMĐT. Số tiền thuế truy thu, tiền phạt các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Riêng trong năm 2021, Cục thuế Hà Nội đã thu được 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động TMĐT. Trong đó, 465 cá nhân có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple,…) kê khai và nộp 56,1 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, có một cá nhân đã kê khai và nộp 11 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Số thuế mà cá nhân này phải nộp được cộng dồn nhiều năm với số tiền chậm nộp phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng…
Tính đến hết tháng 6/2022, cơ quan thuế đã thu được từ xử ký vi phạm, chống thất thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT cung cấp dịch vụ số khoảng 923 tỷ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 358 tỷ đồng, bằng 136% so với số thu năm 2021.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế, triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động cho các cá nhân.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhân tạo (AL) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý rủi ro đối với TMĐT. Đặc biệt là xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người nộp thuế...
Để công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TMĐT nói riêng đạt được nhiều thành công hơn nữa, trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan như: Tổng cục Thuế, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông,… để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong môi trường kinh doanh TMĐT.