I. Thực trạng và những vấn đề đặt ra qua 10 năm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực
1. Khái quát thực trạng
Trong sự nghiệp Đổi mới toàn diện đất nước, Đảng và Nhà nước đã rất coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo. Cương lĩnh của Đảng (2011) khẳng định: Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hoá, con người Việt Nam; phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đại hội XI của Đảng (2011) đã xác định một chủ trương rất quan trọng, mang tính chiến lược là phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục”, nâng cao chất lượng theo yêu cầu “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”, làm nền tảng để thực hiện “Đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”. Tiếp theo đó, để cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XI, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4 tháng 11 năm 2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Qua 10 năm thực hiện “Đột phá chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực” và 8 năm thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW, Đại hội XIII của Đảng đã đánh giá sự nghiệp “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục” của nước ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, như[1]: Chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được tích cực triển khai, bước đầu có hiệu quả; xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới (năm 2018), chuyển dần từ việc cung cấp kiến thức, kỹ năng sang phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; chất lượng giáo dục đại học từng bước được nâng lên, giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến. Quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, năm 2020 ước khoảng hơn 55 triệu người. Nhân lực chất lượng cao tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực và quốc tế như công nghệ thông tin, y tế… Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được triển khai tích cực và công khai kết quả thực hiện.
Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ việc thực hiện “Đột phá chiến lược về đào tạo nhân lực” và đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục vẫn còn không ít những hạn chế về nhận thức và tổ chức thực hiện, như[2]: Đổi mới tư duy, hoạt động giáo dục và đào tạo còn chậm, chưa quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới còn thiếu hệ thống, chưa ổn định. Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo chưa cao. Hệ thống giáo dục và đào tạo chưa bảo đảm tính đồng bộ và liên thông giữa các trình độ, các phương thức giáo dục và đào tạo. Nội dung, chương trình giáo dục và đào tạo còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành. Đào tạo vẫn thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động. Chưa chú trọng đúng mức đến phát triển phẩm chất và kỹ năng người học. Giáo dục “làm người”, đạo đức, lối sống còn bị xem nhẹ. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội[3]. Đào tạo vẫn còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa quan tâm đúng mức đến kỹ năng xã hội, kỹ năng sống và khả năng tự học, kỹ năng sáng tạo... Một số nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo triển khai còn chậm, lúng túng, hiệu quả thấp; chưa tạo được bước đổi mới có tính đột phá để nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo.
2. Những yếu kém, bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, thể hiện trên một số mặt sau:
Việc đánh giá thực chất sự phát triển và chất lượng nguồn nhân lực không thể chỉ theo cách tiếp cận đánh giá kết quả đào tạo năm sau, so với năm trước, nhiệm kỳ sau so với nhiệm kỳ trước; mà còn phải đánh giá nguồn nhân lực đó đáp ứng như thế nào với yêu cầu phát triển các lĩnh vực của đất nước, đồng thời cần phải đánh giá trong tương quan so sánh với khu vực và quốc tế. Với cách tiếp cận như vậy, cần nhìn sâu hơn những hạn chế, bất cập của đào tạo nguồn nhân lực ở nước ta, thể hiện qua một số chỉ số chủ yếu sau:
- Về chỉ số phát triển con người (HDI)[4]: Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và một số tổ chức quốc tế khác, chỉ số HDI của Việt Nam không ngừng được cải thiện (0,706 năm 2020). Nếu như trước năm 2017 được xếp vào nhóm nước có chỉ số HDI trung bình, thì từ năm 2019 đã gia nhập vào nhóm nước có HDI trung bình cao (từ vị trí 118 lên vị trí 117 năm 2019). Tuy nhiên, Việt Nam không phải là nước có HDI cao nhất trong nhóm nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người (hơn 6.000 - 7.000 USD/người/năm theo PPP); tốc độ tăng HDI đang chậm lại, mức chênh lệch giá trị HDI của Việt Nam so với HDI của nước cao nhất trong nhóm có cùng mức thu nhập đang có xu hướng gia tăng (giai đoạn 2001 - 2010 mức độ chênh lệch về giá trị HDI của Việt Nam so với HDI của nước cao nhất trong nhóm là 0,005 điểm, nhưng giai đoạn 2011 - 2019, con số chênh lệch này đã lên tới 0,039 điểm). Hơn nữa, mặc dù chỉ số HDI của Việt Nam thuộc loại tương đối cao, nhưng theo đánh giá quốc tế, tỷ trọng đóng góp của các yếu tố chủ yếu góp phần tạo nên giá trị HDI của Việt Nam lại đang cho thấy một khía cạnh bất cập khác: chỉ số thu nhập đóng góp nhiều nhất - khoảng 53%, chỉ số chăm sóc sức khỏe đóng góp khoảng 32%, còn chỉ số giáo dục - đào tạo đóng góp chỉ khoảng hơn 15%. Điều này cho thấy, chất lượng giáo dục - đào tạo nói chung, đào tạo nhân lực nói riêng, chưa đóng vai trò chủ đạo trong phát triển nhân tố con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Về cơ cấu trình độ nhân lực được đào tạo: Theo Báo cáo điều tra của Tổng Cục Thống kê về lao động và việc làm Việt Nam năm 2019, trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu), thì 77,2% không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học. Thực trạng này nói lên trình độ nguồn nhân lực của Việt Nam còn rất thấp, đa số lớn không được đào tạo, không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật. Báo cáo gần đây của Bộ lao động và Tương binh, xã hội cho thấy lao động không chính thức và phổ thông vẫn chiếm chủ yếu. Lực lượng đã qua đào tạo, có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, khoảng 24,5% năm 2020 (so với kế hoạch đặt ra là 40%). Trong khi nhân lực đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn (Điều này được thể hiện qua những hạn chế của nguồn nhân lực Logicstics, một trong những ngành quan trọng của Việt Nam[5]).
- Cơ cấu đào tạo nhân lực lao động của Việt Nam cũng còn nhiều bất cập lớn: hiện tỷ lệ đào tạo giữa các bậc là 1 đại học trở lên/ 0,32 cao đẳng/ 0,61 trung cấp/ 0,37 sơ cấp (thế giới thường là 1 đại học - 4 cao đằng - 25 trung, sơ cấp). Trong khi đó, theo cơ cấu của thị trường lao động, những người lao động trình độ thấp thường phải nhiều hơn nhiều lần so với lao động trình độ đại học trở lên. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp của số lao động được đào tạo ở Việt Nam. Tính đến hết tháng 3/3021, cả nước có 417,3 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp (chiếm 39,7%), nhưng người có trình độ đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (155,5 nghìn người). Thực tế cho thấy, đang có độ “vênh” không nhỏ giữa cơ cấu đào tạo của hên thống giáo dục - đào tạo và cơ cấu nguồn nhân lực mà xã hội đang cần.
- Chất lượng nguồn nhân lực thấp được phản ảnh qua năng xuất lao đông thấp. Theo đánh giá của ILO công bố trong năm 2019, năng suất của lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp ở châu Á - Thái Bình Dương và ở ASEAN: Chỉ bằng 1/15 so với Xin-ga-po; bằng 1/5 Ma-lai-xi-a và 2/5 Thái-lan, gần 1/2 của Indonesia, gần 3/5 của Philippine, gần 7/10 của Brunei, bằng gần 9/10 của Lào, chỉ cao hơn Campuchia; chưa kể so sánh với năng suất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc…
Chất lượng nguồn nhân lực thấp là hệ quả trực tiếp của chất lượng đào tạo. Tuy phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế. Lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và hội nhập. Ở nhiều công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những vị trí đòi hỏi kỹ thuật cao vẫn thường do lao động nước ngoài đảm nhận (Trong thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid - 19, các chuyên gia nước ngoài về nước không thể sang Việt Nam, dẫn đến nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam không thể vận hành bình thường được, thậm chí phải dừng sản xuất). Theo Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và xã hội[6] (2019), mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với nhân lực qua đào tạo thông qua đánh giá về mức độ thiếu hụt năng lực/kỹ năng của người lao động ở ba mức “không thiếu - 1 điểm; tương đối thiếu - 2 điểm; thiếu - 3 điểm”, cho thấy, mức độ thiếu hụt năng lực/kỹ năng của lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh là 1,43, của lao động gián tiếp là 1,33. Ngay đối với hệ thống các trường nghề chất lượng cao (45 trường) theo quyết định số 761/QĐ-TTg (năm 3014) của Thủ tướng Chính phủ, sau mấy năm thực hiện, đến 2020 đã không hoàn thành kế hoạch; kết quả đánh giá cho thấy dưới 50% học sinh, sinh viên sau đào tạo, đáp ứng được các tiêu chuẩn về trình độ, kỹ năng nghề. Theo đánh giá của ILO, kỹ năng của lao động Việt Nam cũng bị đánh giá còn nhiều hạn chế, với 46/100 điểm (xếp thứ 103 trên thế giới), chỉ cao hơn Indonesia, Lào và kém rất xa so với nhóm ASEAN-4.
Chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao được đánh giá qua nhiều chỉ số, trong đó có chỉ số về số đăng ký sáng chế. Tại Việt Nam, trong 10 năm qua (2007 - 2017) số đăng ký sáng chế mặc dù đã tăng gần gấp đôi từ 2.860 lên 5.382 đơn. Song nếu so sánh với các nước trong khu vực Asean+ 3 thì chúng ta đứng cuối và cách biệt khá xa với Thái Lan, Singapore. Theo tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2017, tổng số đơn sáng chế và giải pháp hữu ích của Việt Nam là 669, thì của Thái Lan và Malaysia lần lượt là 3.133 và 1.439. Hơn nữa, điều đáng suy nghĩ là trong số đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam, có đến gần 90% chủ đơn là các tổ chức, cá nhân nước ngoài, trong khi chủ đơn Việt Nam chỉ chiếm con số rất khiêm tốn - trên dưới 10%.
Một chỉ số khác là số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học. Trong những năm gần đây, số lượng công bố quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam đã tăng đáng kể, song mới bằng 28% của Thái Lan, 25% Malaysia và 15% Singapore. Đáng lưu ý là, trong số các công bố quốc tế đó của Việt Nam, số bài báo có hợp tác quốc tế chiếm gần 80%. Điều đó cho thấy “nội lực” của nhân lực khoa học công nghệ Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Trong các lĩnh vực công nghệ cao, nhân lực được đào tạo qua các trường đại học còn nhiều bất cập so với yêu cầu của các doanh nghiệp[7]. Qua khảo sát, 82% các CEO cho rằng các sinh viên ra trường chưa đáp ứng yêu cầu, thường phải đào tạo lại từ 3 tháng đến 1 năm. Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cả nước có 129 cơ sở đào tạo, hàng năm đào tạo hơn 110.000 sinh viên, nhưng chỉ có 10% đáp ứng tốt yêu cầu.
Nhiều CEO cho rằng “người lao động Việt Nam thiếu cả tay nghề và ý thức”; kỷ luật lao động chưa đáp ứng yêu cầu cao của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại; chưa được tập huấn kỹ về kỷ luật lao động công nghiệp; chưa được trang bị các kiến thức và kỹ năng làm việc theo nhóm, khả năng hợp và chia sẻ kinh nghiệm làm việc còn kém; tư duy sáng tạo hạn chế.
- Tác động của đại dịch Covid -19 đã làm bộc lộ rõ hơn những bất cập về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam. Sự đứt gẫy các chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh, đã dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, dừng hoạt động, thậm chí phá sản; làm đứt gãy các chuỗi cung ứng ứng lao động, thị trường lao động và việc làm có nhiều biến động[8], cho thấy: nguồn nhân lực được đào tạo của Việt Nam chủ yếu được sử dụng ở khâu “gia công, lắp ráp” trong các chuỗi sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực trình độ cao còn rất hạn chế (điều này được thể hiện rất rõ ngay trong các doanh nghiệp FDI). Điều đó cho thấy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao - trình độ cao còn nhiều bất cập, chưa tạo được “bên cầu” đủ mạnh để thúc đẩy nâng cao chất lượng và trình độ đào tạo nhân lực. Đồng thời, thể hiện tính không bền vững của sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp - nông thôn sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; các khu công nghiệp, khu đô thị lớn đối diện với thách thức thiếu về số lượng do cả triệu lao động mất việc làm, thiếu việc làm, dịch chuyển về nông thôn, việc quay trở lại có nhiều rủi ro (phần lớn lao động di cư chỉ đăng ký tạm trú, không có hộ khẩu, gặp nhiều khó khăn về nhà ở, học tập, chữa bệnh...; không có đủ dịch vụ hạ tầng xã hội như ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa, tham gia bảo hiểm xã hội, ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản).
3. Nguyên nhân của những yếu kém, bất cập trong việc đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao
Những yếu kém, hạn chế trên do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan; nhưng, về tổng thể, do các nguyên nhân chủ yếu sau:
- Chưa quán triệt sâu sắc, đầy đủ, có hệ thống các tư tưởng chỉ đạo quan trọng nêu trong Nghị quyết Đại hội XI và Nghị quyết 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “đổi mới căn bản, toàn diện” giáo dục - đào tạo theo định hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế”.
- Chưa xây dựng được Đề án tổng thể mang tính chiến lược cụ thể hóa và triển khai Nghị quyết 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước ta (đồng thời chưa cụ thể hóa thành các Đề án đổi mới căn bản giáo dục phổ thông, Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nghề nghiệp, Đề án đổi mới căn bản giáo dục đại học…). Chưa xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
- Chưa xây dựng được đồng bộ thể chế phát triển giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam và hội nhập quốc tế.
- Việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 29 - NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục” có mặt còn chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống, chưa kiên quyết; một số cơ chế, chính sách, giải pháp đưa ra chưa được luận giải đầy đủ về cơ sở lý luận và thực tiễn; hiệu lực, hiệu quả chưa cao. Hệ thống giáo dục, đào tạo chậm chuyển đổi sang phát triển theo chiều sâu, hướng mạnh sang nâng cao chất lượng, hiệu quả.
- Trong bối cảnh tác động sâu rộng của đại dịch Covid - 19, chưa tập trung nghiên cứu và kịp thời đưa ra các chính sách về lao động việc làm, an sinh xã hội phù hợp với diễn biến nhanh, phức tạp, rộng lớn của tình hình. Hiện nay, ở nhiều doanh nghiệp số lao động quay trở lại làm việc vẫn không đủ, có không ít doanh nghiệp còn thiếu tới 20-30% lao động (do người lao động vẫn lo ngại về tác động của đại dịch Covid-19, do chế độ lương, thu nhập thấp không đủ đảm bảo các chi phí phát sinh, do các chế độ an sinh còn nhiều bất cập…). Nguồn lực của Nhà nước và của xã hội cho việc đảm bảo an sinh xã hội, lao động việc làm trong bối cảnh tác động sâu rộng của đại dịch Covid - 19 còn nhiều hạn chế (dù đã rất cố gắng).
4. Vấn đề đặt ra
Trước hết, phải khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách để “kéo” nhanh được đội ngũ lao động quay trở lại các doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời, vấn đề đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong bối cảnh hiện nay và sắp tới cần đặt trong yêu cầu tổng hợp sau đây:
- Yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế sang phát triển theo chiều sâu, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ - đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao.
- Yêu cầu tận dụng có hiệu quả cao các cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra; quá trình tự động hóa được đẩy mạnh.
- Quá trình số hóa mọi mặt của đời sống xã hội ngày càng tăng nhanh.
- Quá trình toàn cầu hóa song hành với cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng lên, trọng tâm bên trong là cạnh tranh về sở hữu trí tuệ và công nghệ cao.
- Tác động của đại dịch Covid - 19 lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là rộng lớn và còn lâu dài.
Đứng trước những yêu cầu trên, cơ cấu đội ngũ, ngành nghề, trình độ, sự dịch chuyển của nguồn nhân lực sẽ phải có những thay đổi rất lớn, chứa đựng cả những cơ hội và thách thức. Bởi vậy, việc khôi phục thị trường lao động để đảm bảo khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19 là một thách thức kép, vừa phải giải quyết bài toán đảm bảo cung ứng nhân lực trước mắt cho phục hồi kinh tế - xã hội trong tình thế dịch Covid - 19 đang còn tác động mạnh và không sớm kết thúc, vừa phải thực hiện các giải pháp căn cơ, mang tầm chiến lược lâu dài về đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao trong 5 - 10 - 20 năm tới để tạo động lực then chốt cho đất nước phát triển nhanh - bền vững.
(Còn tiếp)
[1] Đảng Cộng sán Việt Nam: Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr. 62-63; NXB Chính trị quốc gia, Hà nội - 2021
[2] Đảng Cộng sán Việt Nam: Văn kiện đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, tr. 82-83; NXB Chính trị quốc gia, Hà nội - 2021
[3] Báo cáo điều tra lao động và việc làm Việt Nam năm 2019 của Tổng Cục Thống kê: trong tổng số lực lượng lao động đang làm việc (55,76 triệu) thì 77,2% không có trình độ chuyên môn - kỹ thuật, 3,7% qua dạy nghề, 4,7% trung cấp, 3,8% cao đẳng và 10,6% đại học.
[4] Công bố Báo cáo Chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020; Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Minh Trang, ngày 06/01/2022
[5] https://www.kizuna.vn › tin-tuc › thuc-trang-nguon-nh.
[6] Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045
[7] Phát triển nguồn nhân lực NN 4.0, VTV1, chương trình 15g30, ngày 10/12/2021
[8] Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý I năm 2021, cả nước còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong đó có 540 nghìn người bị mất việc, 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người cho biết họ bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo họ bị giảm thu nhập.
Nhóm lao động thất nghiệp chịu tác động mạnh mẽ nhất khi 36,3% trong số họ vẫn còn chịu ảnh hưởng tiêu cực, tiếp đó là lao động có việc làm (15,5%), chỉ có 4,3% lao động không hoạt động kinh tế còn chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch này. Trong quý I năm 2021, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 49,9 triệu người, giảm 959,6 nghìn người so với quý trước và giảm 177,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III năm 2021, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 khiến họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi đại dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 25 đến 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động chịu ảnh hưởng. Trong tổng số hơn 28,2 triệu người bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, có 4,7 triệu người bị mất việc, chiếm 16,5%; 14,7 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh, chiếm 51,1%; 12,0 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, chiếm 42,7% và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập, chiếm 67,2%.