Phát huy vai trò “đi trước mở đường”

Đinh Thảo
Với phương châm “công tác tuyên giáo đi trước mở đường - đi cùng thực hiện - đi sau tổng kết”, năm 2022 dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, nhưng hệ thống tuyên giáo Hà Nội luôn chủ động, sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2023, ngành Tuyên giáo Thủ đô tiếp tục bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, nâng cao khả năng dự báo…
thi-1673069911.jpg
Các thí sinh tham gia vòng sơ khảo Hội thi giảng viên lý luận chính trị giỏi thành phố Hà Nội năm 2022 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thanh Hồng

Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, công tác tuyên giáo Thủ đô năm 2022 không ngừng được nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, địa phương với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo. Nổi bật là tổ chức thành công hội thảo chuyển đổi số trong hệ thống tuyên giáo Thủ đô. Trên cơ sở đó đã chỉ đạo, hướng dẫn hệ thống tuyên giáo thành phố ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chuyển đổi số kịp thời, linh hoạt, phù hợp, từng bước đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cụ thể là việc nghiên cứu, nắm bắt, phản ánh, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với công tác lãnh đạo, quản lý của chính quyền các cấp, nhất là việc đưa các chỉ thị, nghị quyết vào cuộc sống.

Nhận thức rõ tầm quan trọng này, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Phúc Thọ Tô Văn Sáng cho biết, đơn vị định kỳ hằng tháng, hằng quý tổ chức các hội nghị báo cáo viên, giao ban khối tuyên truyền, giao ban dư luận xã hội để thông tin, định hướng dư luận trong đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.

“Những vấn đề nóng, vụ việc bức xúc mà dư luận đang quan tâm đều được dân chủ bàn bạc, thống nhất cách thức chỉ đạo. Huyện cũng công khai các thông tin về đề án, dự án, chương trình, kế hoạch liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát, phản biện”, đồng chí Tô Văn Sáng chia sẻ.

Với tư duy lấy văn hóa làm nền tảng, là tài nguyên để phát triển kinh tế - xã hội, năm 2022, thị xã Sơn Tây đã đa dạng hóa, đổi mới các hoạt động, nội dung và hình thức tuyên truyền, giáo dục giá trị văn hóa, đặc biệt là với thế hệ trẻ.

“Chúng tôi tập trung nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiếp cận thông tin, hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của người dân và du khách qua các kênh như mạng xã hội, website du lịch, phối hợp với các cơ quan báo chí xây dựng chương trình quảng bá, phát hành sách, báo, tờ rơi để giới thiệu văn hóa Sơn Tây gắn với phát triển du lịch”, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Sơn Tây Hà Việt Phong thông tin.

Trong khi đó, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông Nguyễn Thị Tâm nêu rõ, hệ thống tuyên giáo của quận không ngừng đổi mới phương thức, triển khai hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền trên địa bàn. Quận chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng Bản tin Hà Đông, bản tin nội bộ nhằm góp phần định hướng tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, quan tâm đến công tác nắm bắt dư luận để phục vụ việc điều hành của quận, tập trung giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm được người dân quan tâm...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp trong bối cảnh thế giới cũng như trong nước có nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó đặt ra với công tác tuyên giáo Thủ đô những yêu cầu, nhiệm vụ mới, cao hơn, phức tạp hơn. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã xây dựng kế hoạch công tác tuyên giáo thành phố năm 2023 với 275 nội dung quan trọng.

Triển khai kế hoạch công tác trên, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Long Biên Nguyễn Thế Thạch cho hay, đơn vị tiếp tục tham mưu có hiệu quả, sáng tạo Kết luận số 01-KL/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ quận Long Biên. Trong đó, tiếp tục tham mưu xây dựng kế hoạch lấy ý kiến góp ý việc tu dưỡng rèn luyện đạo đức gắn với trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh Phạm Trọng La thông tin, đơn vị sẽ triển khai 3 nhóm giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo. Cụ thể, huyện xây dựng các phần mềm bài thu hoạch bằng hình thức trực tuyến sau khi học tập, nghiên cứu các nghị quyết, văn bản của Đảng, cập nhật lý luận, kiến thức mới, sinh hoạt chính trị hè cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Về nhiệm vụ trong công tác tuyên giáo năm 2023, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, cần ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong tất cả các khâu, hoạt động của công tác tuyên giáo với phương châm “chủ động, kịp thời, chính xác, hiệu quả” để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao

Năm 2023, hệ thống tuyên giáo thành phố sẽ tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng và 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Trong đó, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TƯ, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và 10 chương trình công tác toàn khóa của Thành ủy (khóa XVII). Đồng thời, chủ động xây dựng Chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn 2045; chuẩn bị tổng kết 40 năm công tác tuyên giáo thời kỳ đổi mới.