Ðến nay, một số chính sách triển khai và thực hiện sớm, bước đầu đạt hiệu quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ thụ hưởng những chính sách hỗ trợ còn hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tương xứng tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp.
Khó khăn bủa vây
Ðại diện các doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan quản lý cần đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai thực thi các chính sách mới giúp mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cần có sự đồng đều giữa các địa phương về triển khai các chính sách, nhằm kích hoạt cả nền kinh tế cùng phát triển ổn định. Nhiều ý kiến từ phía hiệp hội và doanh nghiệp ở địa phương cũng có chung nhận định, việc triển khai các chương trình trợ giúp doanh nghiệp chưa thật sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn, chưa đáp ứng mong đợi của số đông doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế phải gồng mình chống chịu những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 khi mọi doanh nghiệp đang phải nỗ lực duy trì hoạt động để thích ứng tình hình mới.
Theo chia sẻ của Giám đốc Công ty may Nam Linh Lê Tuấn Linh, doanh nghiệp nào cũng ngóng chờ các chương trình, chính sách hỗ trợ, song thực tế khi triển khai còn rất chậm chạp, doanh nghiệp khi tiếp cận gặp rất nhiều rào cản. Việc phải chạy vòng vèo qua nhiều "cửa", đáp ứng các điều kiện được thụ hưởng và chờ đợi rà soát danh sách để tới lượt mình cũng là cả một hành trình dài, khiến không ít doanh nghiệp nhụt chí. Thí dụ, muốn vay vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh, nếu không phải đối tác uy tín, có lịch sử tín dụng sạch, có phương án kinh doanh khả thi, thậm chí không phải là khách hàng thân thiết, được ưu tiên của ngân hàng thì cũng rất khó tiếp cận các gói hỗ trợ có quy mô lớn như đang được tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Báo cáo PCI 2021 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây tiếp tục phản ánh một số khó khăn lớn mà doanh nghiệp đang gặp phải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo đó, có 69% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, vấn đề tìm kiếm khách hàng là khó khăn nhất; 47% đang gặp phải vướng mắc trong quá trình tiếp cận vốn; 32% đang phải chịu sức ép từ biến động thị trường và 27% đang tìm kiếm nhân sự thích hợp. Ngoài ra, việc cải cách thủ tục cấp các loại giấy phép kinh doanh; tiếp cận đất đai, mặt bằng cho doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, gây khó cho các doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam Nguyễn Văn Ðệ cho rằng, trong cơ chế, chính sách vẫn còn sự phân biệt "công-tư" khi các bệnh viện công lập ai cũng nói ủng hộ thành lập bệnh viện tư nhưng thực tế khi làm thì ngược lại. Theo Luật Ðất đai, đất y tế là loại hình được Nhà nước cho thuê không thu tiền sử dụng đất, nhưng đang buộc phải đấu thầu, như vậy là gây khó cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân. Cần có sự công bằng giữa bệnh viện tư nhân và bệnh viện công lập. Ðể cạnh tranh được, doanh nghiệp bệnh viện tư nhân phải chịu nhiều hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, luồn lách, đây là yếu tố nguy nan cho cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, Nhà nước nên mạnh dạn xã hội hóa, tin tưởng doanh nghiệp, có chính sách tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia xã hội hóa. Trong lĩnh vực y tế phải có sự "cởi trói" về chính sách để bệnh viện tư nhân phát triển.
Triển khai nhanh chính sách hỗ trợ
Thống kê từ Cổng Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, tính đến hết tháng 4/2022 có hơn 49.500 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 12,3% so cùng kỳ năm 2021) với tổng vốn đăng ký đạt hơn 635 nghìn tỷ đồng (tăng 1,2% so cùng kỳ năm 2021). Cùng với đó là gần 35 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 60,6% so cùng kỳ năm 2021). Ðiều này cho thấy, hoạt động kinh doanh đang dần phục hồi, sôi động trở lại và các doanh nghiệp đã có kế hoạch đón đầu cơ hội. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, khi có tới hơn 46.500 doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, hoàn tất thủ tục giải thể trong 4 tháng đầu năm. Vì vậy, việc đẩy nhanh tốc độ thực thi các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thời điểm này là cú huých rất lớn, có ý nghĩa quan trọng để tiếp sức cho doanh nghiệp.
Trưởng ban Pháp chế VCCI Ðậu Anh Tuấn cho biết, 51,3% doanh nghiệp được VCCI khảo sát đang không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ có khoảng 8% doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ các chương trình, chính sách theo luật định; khoảng 7,34% doanh nghiệp được cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, khoảng 4,75% doanh nghiệp tiếp cận được hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp.
Mặc dù tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ từ Nhà nước còn thấp, song có tới 80% doanh nghiệp đã đi qua đầy đủ các bước trong quy trình thủ tục để nhận được hỗ trợ đều ghi nhận rằng, các thủ tục hành chính được triển khai theo các chương trình này khá dễ thực hiện. Do đó, cần đẩy nhanh việc tiếp cận tín dụng lãi suất thấp, miễn giảm tiền thuê đất, thuế, phí,... theo tinh thần của Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để doanh nghiệp có điều kiện tái lập lại hoạt động, mở rộng quy mô và thúc đẩy năng suất cao hơn bù đắp cho quá trình bị đình đốn do dịch bệnh cũng vô cùng chật vật vừa qua. Mặt khác, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm nước rút để các địa phương, các ban, ngành chức năng không chỉ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn đẩy nhanh quá trình triển khai các chính sách "trợ lực" cho doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển.
Ðể chương trình phục hồi và phát triển kinh tế phát huy hiệu quả, các chính sách đưa ra cần phù hợp thực tiễn và nhu cầu của từng doanh nghiệp. Việc ban hành chính sách nên có sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện triển khai đồng thời có thêm những giải pháp phi tài chính như hỗ trợ doanh nghiệp trong tái cơ cấu, mở rộng thị trường và bán hàng thông qua các phương thức thương mại điện tử. Khi các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời mới giúp khơi dậy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp cùng sự phục hồi bền vững của nền kinh tế trong năm 2022.