Phát động Giải báo chí "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022

Huyền Văn
Sáng 15/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022.

Báo chí có đóng góp quan trọng với ngành giáo dục

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Trưởng Ban tổ chức Giải báo chí nhấn mạnh, giáo dục đào tạo luôn là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội. Ngành giáo dục có tác động lớn, thường xuyên, có ảnh hưởng lâu dài đến tương lai, sự phát triển của đất nước và từng gia đình; tác động hàng ngày tới đời sống xã hội.

Vì vậy, các hoạt động của ngành giáo dục luôn được toàn xã hội và các gia đình quan tâm, can dự, kỳ vọng. Những nhiệm vụ của ngành giáo dục bởi thế cũng luôn khó khăn, phức tạp, nhiều thách thức, nhưng đầy vinh dự.

nlntv-c04b-1657948097.jpg
Quang cảnh buổi họp báo, tổ chức sáng 15/7 tại Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ trưởng thông tin, trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, ngành giáo dục nhiều năm qua đã thực hiện những chủ trương đổi mới lớn như triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới năm 2018, Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018.

Với Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhiệm vụ của ngành không chỉ là xây dựng chương trình mà còn chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa, phê duyệt sách giáo khoa; phát triển đội ngũ giáo viên; chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện khác,… Trong lĩnh vực giáo dục đại học là triển khai tự chủ đại học. Đây là vấn đề hoàn toàn mới không chỉ ở Việt Nam mà còn với nhiều quốc gia, từ việc tuyển sinh, đào tạo cho đến tự chủ về tổ chức bộ máy, tổ chức tài chính,…

"Những nhiệm vụ của ngành đã khó, phức tạp lại càng khó, phức tạp hơn, khi chúng ta phải đổi mới căn bản, toàn diện ở cả bậc phổ thông và đại học. Những khó khăn này lại nhân lên trong bối cảnh 2 năm qua, khi dịch bệnh hoành hành. Toàn ngành phải nỗ lực vượt qua dịch bệnh để học sinh học từ xa, học qua mạng, học qua truyền hình, gần đây là đưa học sinh trở lại trường", Thứ trưởng chia sẻ.

Theo ông, để đạt được thành công, triển khai được những nhiệm vụ như trên có sự nỗ lực, đóng góp không mệt mỏi của toàn ngành, toàn xã hội, trước tiên là đóng góp thầm lặng, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, các cán bộ giáo dục; sự quyết tâm, nỗ lực của hơn 20 triệu học sinh, sinh viên và các gia đình.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng ghi nhận sự đóng góp quan trọng của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên từ các cơ quan thông tấn báo chí. Ông nhấn mạnh, ngành giáo dục sẽ không thể thực hiện được nhiệm vụ của mình, từ việc xây dựng các chính sách, văn bản, hướng dẫn thực hiện, tổ chức triển khai nếu không có hoạt động tuyên truyền, định hướng chính sách, phản biện từ báo chí.

Tất cả sự kiện giáo dục sinh động diễn ra hàng ngày, có tác động lâu dài đều được các phóng viên phản ánh một cách chân thực, mang lại hiệu quả truyền thông tích cực. Qua báo đài, những chính sách của ngành đã đến được với toàn thể học sinh sinh viên, phụ huynh, nhà trường chính xác và kịp thời.

95-1657948227.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn, Trưởng Ban tổ chức Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022.

"Mỗi nhà báo với các tác phẩm báo chí của mình đã tạo cầu nối, trở thành diễn đàn để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh sinh viên, các chuyên gia, nhà khoa học và toàn thể nhân dân đóng góp ý kiến, cùng tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Thứ trưởng chia sẻ, năm 2022 là năm thứ 5 giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức. "Chúng tôi rất mong nhận được sự hưởng ứng của các cơ quan báo chí cả nước để lan tỏa hơn nữa những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành giáo dục; tạo sự hiểu biết, đồng thuận của nhân dân, toàn thể xã hội với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo", Thứ trưởng nêu kỳ vọng.

Thể lệ Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" năm 2022

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức đã chia sẻ những thông tin chi tiết về Thể lệ Giải.

Theo đó, giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" được tổ chức nhằm tôn vinh các tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp giáo dục; về các tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Qua đó, tuyên truyền, tôn vinh đóng góp của ngành giáo dục cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và xã hội đối với sự nghiệp giáo dục Việt Nam.

Giải dành cho các tác phẩm báo chí đăng tải trên các loại hình báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép, phát hành trong và ngoài nước; thời gian đăng, xuất bản từ ngày 05/9/2021 đến hết ngày 05/9/2022.

nlntv-c4a8f6-1657948541.jpg
Ông Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, thành viên Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức phát biểu tại họp báo.

Loại hình báo chí được xét trao giải gồm: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình. Các thể loại được xét trao giải gồm: tin, bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, ký sự, điều tra, phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình.

Ban tổ chức không xét các tác phẩm đang chờ đánh giá và kết luận của các cơ quan có thẩm quyền. Không nhận các tác phẩm mang tính hư cấu (như tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, phim truyện…). Tác phẩm được xét trao giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền kể từ thời điểm công bố.

Thời gian nhận tác phẩm là từ ngày phát động đến hết tháng 9/2022. Lễ tổng kết và trao giải dự kiến tổ chức ngày 19/11/2022.

Địa chỉ nhận tác phẩm: Báo Giáo dục và Thời đại, 15 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội hoặc qua email: cuocthiVSNGDVN@moet.gov.vn. Đối với hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Bài tham gia Giải Báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022.

Tại họp báo, nhiều vấn đề xung quanh Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam" đã được các cơ quan báo chí đặt câu hỏi.

Với băn khoăn "Ban tổ chức có khuyến khích những tác phẩm viết về tiêu cực của ngành giáo dục hay không", ông Triệu Ngọc Lâm cho biết, việc góp phần xây dựng nền giáo dục Việt Nam bao gồm cả những phản biện mang tính xây dựng đúng đắn. Chính vì vậy, ban tổ chức tôn trọng, cầu thị và mong ước sẽ có nhiều bài báo mang tính phản biện để ngành giáo dục nhìn nhận, xem xét, đánh giá một cách toàn diện, kỹ lưỡng hơn; hoàn thiện công tác quản lý Nhà nước về giáo dục.

Một nhà báo khác đặt vấn đề, chưa thấy xuất hiện loại hình báo ảnh trong các loại hình báo chí được xét trao giải. Ông Triệu Ngọc Lâm thông tin, đến nay, Ban chỉ đạo và Ban tổ chức sau khi xin ý kiến của các nhà báo lão thành, Ban sơ khảo, Ban chung khảo cùng các chuyên gia đã quyết định thể loại báo ảnh chưa bổ sung thêm thành loại hình báo chí thứ 5 tham dự giải.

"Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa chúng tôi không đánh giá cao loại hình này. Trong thể lệ cuộc thi, chúng tôi cũng nêu rõ ở thể loại báo điện tử hay báo in có sử dụng các tác phẩm đa phương tiện bao gồm hình ảnh, video, âm thanh và bản text. Như vậy, trong những tác phẩm này, sự xuất hiện của ảnh báo chí có chất lượng luôn được đánh giá cao", ông Lâm cho hay.

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nêu ý kiến, cần xem xét thấu đáo vấn đề đưa báo ảnh vào loại hình được xét trao giải. Theo ông, ảnh báo chí độc lập là loại hình báo chí quan trọng, đôi khi một bức ảnh có giá trị hơn hàng vạn con chữ.

"Kể cả khi công nghệ báo chí phát triển đến mức nào thì ảnh báo chí vẫn tồn tại với vị trí rất quan trọng. Đặc biệt, trong lĩnh vực giáo dục sẽ có nhiều khung cảnh rất đẹp để các phóng viên ảnh tác nghiệp và có tác phẩm đắt giá. Bởi vậy, tôi nghĩ chúng ta cũng nên nghiên cứu vấn đề này", ông Lợi nói.

Cơ cấu giải thưởng của Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" năm 2022 bao gồm:

1 giải Đặc biệt lựa chọn từ các tác phẩm đoạt giải Nhất.

1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và một số giải Khuyến khích cho mỗi loại hình (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình).

Giải nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải (02 nhân vật).

Mỗi giải thưởng gồm: Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam"; Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra là tiền thưởng bằng tiền mặt:

- Giải Đặc biệt: 6 triệu đồng; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Giải Nhất: 30 triệu đồng/giải.

- Giải Nhì: 15 triệu đồng/giải.

- Giải Ba: 10 triệu đồng/giải.

- Giải Khuyến khích: 5 triệu đồng/giải.

Nhân vật tiêu biểu trong tác phẩm đoạt giải được nhận biểu trưng "Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam" và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 10 triệu đồng.