Cán bộ, đảng viên, nhân dân có chung nhận định, phát biểu của Tổng Bí thư rất khách quan, có tính định hướng ảnh hưởng nhất định đến việc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng. Đặc biệt nhấn mạnh, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội là nhân tố quan trọng đảm bảo cho thành công của Đại hội, có ý nghĩa chiến lược gắn liền với vận mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ và sự phát triển của đất nước.
Theo Trung tá Phạm Văn Bình, nguyên cán bộ Vùng I Hải quân, trong suốt quá trình lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước, công tác cán bộ luôn được Đảng, Nhà nước ta coi trọng, xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Thời gian qua, nhiều văn bản, quy định nhằm chuẩn hóa và phát triển đội ngũ lãnh đạo các cấp đã được ban hành. Về công tác cán bộ, những năm qua, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp đã nhận thức rõ tầm quan trọng, thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch. Nhiều chủ trương về công tác cán bộ được thể chế, cụ thể hóa bằng quy chế, quy định, quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan, chặt chẽ. Việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ đã được thực hiện công khai đúng quy trình, góp phần củng cố lòng tin của quần chúng nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác cán bộ mà thông qua các hoạt động thực tiễn, nhiều cán bộ, những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng đã được phát hiện, giới thiệu, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Các quy trình của công tác cán bộ đã thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, tôn trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, hay tình trạng thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Trung tá Phạm Văn Bình chia sẻ, tuy nhiên, có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Vẫn còn có một số cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao thuộc diện Trung ương quản lý, không những không hoàn thành nhiệm vụ mà còn vi phạm pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng, phải thi hành kỷ luật...
Để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước trong thời gian tới, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương phải chuẩn bị thật tốt để trình Đại hội thảo luận và quyết định nhân sự Trung ương khóa XIV, bảo đảm thành công của Đại hội và thắng lợi trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội. Đây là vấn đề nhận được sự quan tâm sâu sắc, chính đáng của toàn Đảng, toàn dân. Trong phát biểu mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị và các địa phương. Phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội XIV của Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu và ở những nơi có cán bộ tham gia quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu.
Trung tá Nguyễn Văn Bình cho rằng, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải quán triệt sâu sắc, có nhận thức đầy đủ các quan điểm, đường lối của Đảng về công tác cán bộ. Những cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn, đã được quy hoạch thì đều phải có cơ hội và điều kiện như nhau để có thể phát huy tốt những phẩm chất, năng lực của mình trong tuyển dụng, tuyển chọn vào các chức danh lãnh đạo, quản lý. Có thể nhận thấy rất rõ, thời gian qua, việc nhận trách nhiệm từ chức, từ nhiệm trở thành văn hóa ứng xử của cán bộ, thực hiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống”, “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ. Do đó việc công tâm, khách quan, phát hiện, lựa chọn, giới thiệu những người đủ đức, đủ tài, là quan trọng. Nếu để lọt những người không đủ tiêu chuẩn và có một trong các khuyết điểm như: bản lĩnh chính trị không vững vàng, cơ hội chính trị, chạy chọt, xu nịnh, cục bộ, thiếu chính kiến, bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.., sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của đất nước, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Chính vì thế, Tổng Bí thư đã lưu ý, các thành viên Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV và Tổ Giúp việc của Tiểu ban, hơn ai hết, phải nắm chắc, nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc, chế độ, quy chế và lề lối làm việc. Các đồng chí thành viên của Tiểu ban và Tổ Giúp việc phải là những cán bộ thật sự tin cậy, tuyệt đối trung thành, trung thực, trong sáng, công tâm, khách quan, đặc biệt là phải rất tỉnh táo, tinh tường ("đừng nhìn gà hóa cuốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", đừng chỉ thấy "cái mã bên ngoài, nó che đậy cái sơ sài bên trong")...; tuyệt đối giữ nguyên tắc, quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, cá nhân có liên quan; chống các biểu hiện tiêu cực chính ngay trong các cán bộ có trách nhiệm, các đại biểu Đại hội và các thành viên của Tiểu ban và Tổ Giúp việc. Đặc biệt, phải có quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công tâm dưới sự lãnh đạo của Đảng.