Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, PGS.TS Lê Văn Cường, Phó Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Quan điểm của Trung ương thì quy hoạch cán bộ không phải là bất biến, cơ hội vẫn rộng mở cho cán bộ chưa được quy hoạch”.
Đừng để khâu khó thành khâu yếu
- Xin đồng chí cho biết tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII)?
- Từ trước đến nay, Đảng ta luôn coi công tác cán bộ là nhiệm vụ rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cán bộ là gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hay thất bại là do cán bộ tốt hay kém”. Chúng ta nhớ là trước đây khi nói xây dựng Đảng chỉ nói đến 3 mặt: Chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nhiệm kỳ Đại hội XII, trước vấn đề suy thoái về đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng bổ sung mặt thứ tư là xây dựng Đảng về đạo đức. Tiếp đó, đến nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng tiếp tục bổ sung mặt thứ năm là xây dựng Đảng về cán bộ.
Hơn nữa, lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng đưa vào một câu rất ý nghĩ là: “Cán bộ là khâu then chốt của nhiệm vụ then chốt”. Mà ở đây chúng ta đều biết, xây dựng Đảng là then chốt, nằm trong tổng thể các nhiệm vụ chính trị trọng tâm gồm: Phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần và quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Với vị trí, vai trò công tác cán bộ quan trọng như vậy mà ở đây chúng ta lại đề cập đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nên lại càng hệ trọng.
- Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ 2026-2031 có thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa đồng chí?
- Thuận lợi thứ nhất đối với làm công tác cán bộ cấp chiến lược trong đó có quy hoạch cán bộ hiện nay là hệ thống các quy định đầy đủ, chặt chẽ; được Trung ương thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện, trong đó có các quy định rõ ràng, cụ thể về quy hoạch, đào tạo, đánh giá cán bộ... Ví dụ như phòng, chống các vi phạm trong công tác cán bộ thì nhiệm kỳ Đại hội XII, Bộ Chính trị có Quy định số 205-QĐ/TƯ ngày 23-9-2019 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Sang nhiệm kỳ Đại hội XIII, trước yêu cầu tình hình mới, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 114-QĐ/TƯ ngày 11-7-2023 về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ...
Thứ hai là có sự lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ từ trên xuống dưới, làm các khâu rất tốt. Thứ ba là công tác cán bộ được sự ủng hộ của nhân dân, của cán bộ, đảng viên, tạo ra sự đồng thuận. Thứ tư là công tác cán bộ có sự đồng bộ, liên thông nên có điều kiện thực hiện kết luận Hội nghị Trung ương 8 của đồng chí Tổng Bí thư là làm từng bước, trước hết là quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương làm cơ sở để quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Còn khó khăn khi làm quy hoạch cán bộ chiến lược hiện nay là tác động của mặt trái của kinh tế thị trường làm cho một bộ phận cán bộ đánh mất mình, sa ngã. Chúng ta nhìn lại con số Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố trong các thông cáo báo chí về kỷ luật cán bộ từ đầu nhiệm kỳ đến nay thì thấy khá nhiều cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật, nên phần nào công tác quy hoạch cán bộ còn có kẽ hở. Chưa kể có những người đúng là lúc đưa vào thì rất tốt, nhưng sau đó không chống lại được cám dỗ. Người xưa đã dạy, lòng sông, đáy biển dò đường thì làm được chứ lòng người ai sao dò được. Đánh giá cán bộ luôn luôn là khâu rất khó. Vấn đề là đừng để khâu khó thành khâu yếu. Bởi có đánh giá chính xác mới quy hoạch đúng người, đúng vị trí.
Chưa được quy hoạch thì hãy cố gắng vì cơ hội còn rộng mở
- Đồng chí đánh giá như thế nào về những vấn đề quan trọng mang tính nguyên tắc được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý trong kết luận Hội nghị Trung ương 8 về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIV như sau quy hoạch phải tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát, “đưa ra”, “đưa vào” quy hoạch; phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ...?
- Đây là những vấn đề có ý nghĩa quyết định chất lượng nhân sự cấp chiến lược nhiệm kỳ tới, cũng là những nội dung căn bản để các cấp vận dụng thực hiện nhiệm vụ quy hoạch cán bộ sắp tới.
Nên nhớ, cán bộ được lựa chọn đưa vào quy hoạch mới chỉ là khâu mở đầu là bước khởi đầu. Quy hoạch chính là tạo ra môi trường để cán bộ tiếp tục phấn đấu rèn luyện, chứng minh năng lực xem có xứng đáng hay không. Cho nên, cán bộ được đưa vào quy hoạch nên nhớ, quy hoạch là có vào, có ra, không phải là bất biến. Những người đưa vào quy hoạch rồi, nhưng qua đào tạo, bồi dưỡng, kể cả kiểm tra, giám sát mà thấy rằng không ổn, không xứng đáng thì sẵn sàng đưa ra khỏi quy hoạch. Và quy hoạch còn là “động” và “mở”, cho nên, những người lần này chưa được đưa vào, nhưng trong quá trình rà soát mà thấy xứng đáng lại được bổ sung đưa vào.
Thước đo cuối cùng vẫn là kết quả hoạt động thực tiễn, qua thực tiễn mới chứng minh được cán bộ làm tốt, có năng lực thì Đảng, Nhà nước sẽ đánh giá cao, rất có thể là đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm ở chức vụ cao hơn. Vì thế khi bế mạc Hội nghị Trung ương 8, Tổng Bí thư mới chỉ đạo là làm từng bước chắc chắn. Làm như vậy sẽ tránh được tâm lý: Thứ nhất người được vào quy hoạch rồi thì yên tâm, chắc chắn rồi và thứ hai là những người hiện nay chưa được đưa vào thì thất vọng. Do đó, cả hai đều phải cố gắng phấn đấu, bình tĩnh, tự tin vì cơ hội vẫn còn đang rộng mở cho tất cả.
- Theo đồng chí, để thực hiện tốt quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2026-2031, cần chú ý những giải pháp gì?
- Theo tôi, giải pháp thứ nhất là phải tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy trình, quy định về công tác cán bộ. Vì quy hoạch là khâu mở đầu, thế nhưng có đưa được cán bộ vào quy hoạch hay không lại phụ thuộc vào tiêu chuẩn, không thể đánh giá chung chung, cảm tính là có tâm, có tầm hay “yêu nên tốt, ghét nên xấu” được; nghĩa là phải hoàn thiện hệ thống quy định rõ ràng, chặt chẽ để có thể cân đo, đong đếm. Việc này còn phải bảo đảm tính đồng bộ, liên thông; quy định của Đảng có rồi thì Nhà nước phải kịp thời thể chế hóa, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phải cụ thể hóa thành điều lệ, nghị quyết của tổ chức mình...
Thứ hai, đối với chủ thể có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quy hoạch cán bộ thì phải thật sự công tâm, khách quan; phải có con mắt tinh đời và phải có tầm. Cái tầm ở đây chính là trách nhiệm nêu gương. Kinh nghiệm cho thấy, ở đâu người đứng đầu là tấm gương sáng thì mọi công tác nói chung, trong đó có công tác cán bộ thường hanh thông, thuận lợi. Còn nếu người đứng đầu không công tâm, không gương mẫu thì đó là mầm mống nảy sinh ra sai sót trong công tác cán bộ. Ví dụ, người làm không được mà lại đưa vào vị trí ấy thì rất dễ là nguồn cơn gây mất đoàn kết trong cơ quan đơn vị, triệt tiêu luôn động lực phát triển.
Thứ ba là, theo tôi là phải tổ chức thực hiện cho tốt. Vì thực hiện vẫn là khâu yếu.
Thứ tư là giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát, trong đó có kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ.
Thứ năm là kịp thời sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau. Ví dụ địa phương này làm tốt có kinh nghiệm hay trong việc chọn được người giỏi thì phải học tập. Vừa qua, một số tỉnh có sáng kiến giao việc khó cho cán bộ để rèn luyện, thử thách, nếu cán bộ trong tầm ngắm mà làm tốt thì rõ ràng là có tầm rồi, cần phải tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để đưa vào chức vụ cao hơn...
Ngoài ra, công tác cán bộ là công tác đối với con người nên vừa nhạy cảm, vừa phức tạp, khó khăn. Những người được giao trọng trách làm công tác cán bộ cần lưu ý tính nhân văn.
Và một điều quan trọng nữa là nhất định phải thực hiện tốt tinh thần dựa vào dân để xây dựng Đảng, phải dựa vào tai mắt của nhân dân để làm công tác cán bộ. Bởi như Bác Hồ từng nói, dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng giải quyết được, mà dân chúng không đồng lòng thì rất gay go.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!