Ổn định thị trường lao động ngay sau Tết

Năm 2021, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp (DN) và người lao động (NLĐ) trên cả nước. Tuy nhiên, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, thị trường lao động cả nước sớm ổn định và có dấu hiệu khởi sắc. Tại các tỉnh, thành phố, hầu hết NLĐ đều đã quay trở lại làm việc, nhiều DN cũng bắt đầu tuyển dụng thêm lao động nhằm đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Theo số liệu thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu lao động. Như trong quý III-2021, cả nước có tới 4,7 triệu lao động bị mất việc; 14,7 triệu lao động phải tạm nghỉ việc; 12 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 18,9 triệu lao động bị giảm thu nhập... Trước thực trạng đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp NLĐ và DN. Các chính sách được ban hành kịp thời phần nào hỗ trợ NLĐ và DN vượt qua những khó khăn, từ đó giúp các DN sớm quay lại hoạt động, đặc biệt là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Tìm hiểu thực tế tại tỉnh Nam Định, chúng tôi được biết, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đa số các DN trên địa bàn tỉnh đã đi vào hoạt động trở lại. Số lượng lao động làm việc trong các DN tương đối ổn định. NLĐ cơ bản chấp hành tốt các quy định và đi làm đúng lịch. Có được điều đó chính là do các DN đã quan tâm, nâng cao đời sống, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Tại Công ty Cổ phần May Sông Hồng khu vực Xuân Trường, không khí lao động sản xuất ngay từ những ngày đầu năm hối hả.

nlntv-laodong-1644985697.jpg
Công nhân Công ty Cổ phần May Sông Hồng (Nam Định) trở lại làm việc đầy đủ ngay từ ngày đầu năm mới. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huy Tuấn, Giám đốc điều hành công ty cho biết: “Trong những năm qua, việc làm của công nhân trong công ty khá ổn định, gần như không có lao động bỏ công ty tìm việc làm nơi khác sau mỗi kỳ nghỉ Tết. Có được điều đó là do chế độ tiền lương, thưởng của công ty rõ ràng, minh bạch và đáp ứng yêu cầu của NLĐ. Hằng năm, NLĐ được hưởng các chế độ lễ, tết, thưởng thi đua. Như Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi cán bộ, công nhân của công ty được thưởng 2,5 tháng lương (24-25 triệu đồng). Chính vì thực hiện tốt các chính sách mà ngày đầu tiên làm việc của năm nay, 100% công nhân của công ty đã đi làm đầy đủ”. Chị Mai Thị Hương, Tổ trưởng Tổ sản xuất số 1, Công ty Cổ phần May Sông Hồng khu vực Xuân Trường cho biết thêm: “Được bảo đảm việc làm, tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi nên chúng tôi luôn gắn bó với công ty. Dịp Tết vừa qua, ngoài tiền lương, thưởng, công ty và công đoàn còn hỗ trợ những suất quà Tết ý nghĩa cho công nhân nên ai cũng phấn khởi”.

Cũng như ở Nam Định, tại các địa phương khác, tỷ lệ NLĐ quay trở lại làm việc từ những ngày đầu năm cũng khá cao. Tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu của Công đoàn Ban quản lý Các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), tính đến ngày 8-2 có 82% lao động quay lại làm việc. Tại tỉnh Thanh Hóa, đến ngày 7-2 đã có 98,7% NLĐ làm việc trở lại. Ngày làm việc đầu tiên của năm mới tại tỉnh Bắc Ninh có hơn 90% lao động trong các KCN làm việc.

Ở Thủ đô Hà Nội, tính đến ngày 8-2 đã có 97% số công nhân tại các KCN, KCX trở lại làm việc. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hà Nội cho biết: “Ngay trong những ngày đầu năm, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 30 hồ sơ các DN đăng ký tuyển dụng lao động. Có thể thấy, thị trường lao động ở Hà Nội đầu năm rất náo nhiệt, nhiều công ty vẫn có nhu cầu tuyển dụng thêm công nhân. Bên cạnh đó, các công ty có nhu cầu tuyển dụng cũng quan tâm tuyển chọn lao động có tay nghề, kỹ năng để hướng đến việc thích ứng lâu dài với dịch Covid-19. Để đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất, chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch, tiếp tục duy trì hoạt động các phiên giao dịch việc làm, tăng cường kết nối giữa DN và NLĐ. Khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi sẽ đề xuất tổ chức những phiên giao dịch việc làm chuyên đề gắn với một số lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng trong thời gian dịch bệnh”.

Để ổn định thị trường lao động trong năm 2022, theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm: Ảnh hưởng của dịch Covid-19 vẫn có thể tác động đến một bộ phận NLĐ, đặc biệt là ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, ngành lao động đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ từng bước phục hồi và phát triển thị trường, đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế, hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực từ dịch bệnh tới thị trường lao động.

Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành Quyết định số 1405/QĐ-LĐTBXH ban hành Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển lao động, trong đó đề ra một số mục tiêu về lao động, việc làm cho năm 2022, đó là: Duy trì tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn dưới 2%; hỗ trợ NLĐ làm việc tại các DN thuộc vùng kinh tế trọng điểm, các địa phương có các khu kinh tế, KCN, khu công nghệ cao yên tâm làm việc; hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình sản xuất an toàn, tạo việc làm cho NLĐ, có thu nhập bền vững cho NLĐ; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động; tạo điều kiện để NLĐ và người sử dụng lao động gặp gỡ, trao đổi thông tin về lao động, việc làm...