Nữ thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội đề cao sự khiêm tốn

Nguyễn Thị Xuyến, sinh viên ngành Vật lý kỹ thuật với CPA 3.68, đã xuất sắc trở thành nữ thủ khoa đầu ra duy nhất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay.

Sinh ra trong một gia đình 4 thành viên, kinh tế không mấy khá giả, Nguyễn Thị Xuyến đã nỗ lực không ngừng nghỉ để cuối cùng tốt nghiệp Cử nhân Xuất sắc của một trong những đại học danh tiếng ở Việt Nam - trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đặc biệt, cô là nữ sinh duy nhất đạt được thành tích này trong năm nay.

Cô gái sinh năm 1999 có biệt danh rất độc đáo: "Carnation Xuyến Chân Voi". Khi được hỏi về ý nghĩa "nickname" của mình, Xuyến cho biết: "Carnation là tên tiếng Anh của một loài hoa có ý nghĩa đối với mình, đó là bông hoa lần đầu mình được nhận trong đời từ một người bạn. Còn "Xuyến Chân Voi" là tên đặt vui của bạn bè".

Ôn thi cuối kỳ áp lực hơn cả thi vào đại học

su-cham-chi-khiem-nhuong-cua-nu-thu-khoa-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-1-1653800237350-1654155481.jpg
Chân dung Tân thủ khoa đầu ra của Đại học Bách khoa Hà Nội năm nay (Nguồn: HUST - CCPR).

Ngay từ những năm học phổ thông, Xuyến đã đam mê bộ môn Vật Lý và ước mơ vào học ở Đại học Bách khoa mặc dù nghe nói đây là môi trường học tập rất nghiêm khắc, nhưng bù lại là có cơ hội việc làm cao.

"Mình đến với Vật lý kỹ thuật như một cái duyên. Và đối với mình, được học ngành bản thân yêu thích thì sẽ gắn bó với nó được lâu dài", Xuyến chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào đại học, Nguyễn Thị Xuyến cảm thấy "ngợp" trước độ nặng của kiến thức. "Một buổi học phải viết đến nửa quyển vở, lượng thông tin giảng viên đưa được viết kín hết 6 mặt bảng", cô tiết lộ thêm, việc ôn thi cuối kỳ khiến nữ sinh áp lực hơn thi vào đại học.

Để có thể học tập tốt và đạt điểm số cao tại đại học, mỗi sinh viên cần có cho mình một phương pháp học tập để tối ưu hóa thời gian, công sức. Nữ thủ khoa tự nhận bản thân không phải là người thông minh, nên "sự chăm chỉ" đã là yếu tố mấu chốt giúp cô đạt được những thành tích cao trong học tập.

"Mình làm đi làm lại các đề đến mức không cần viết công thức ra nháp mà chỉ bấm máy tính là giải được luôn", cô kể lại.

su-cham-chi-khiem-nhuong-cua-nu-thu-khoa-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-2-1653808979467-1654155104.jpg
Nguyễn Thị Xuyến (áo vàng, đứng thứ ba từ phải qua) trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp (Nguồn: NVCC).

Vì hoàn cảnh gia đình, ngay từ năm thứ nhất đại học, Xuyến đã lựa chọn vừa làm vừa học để trang trải học phí và chi phí sinh hoạt.

Cô tâm sự: "Có những ngày, mình đi học từ 6h45 đến 17h30, sau đó tiếp tục đi dạy đến tối. Những lúc mệt mỏi như vậy, mình suy nghĩ rằng những vất vả của mình hôm nay chả là gì so với mẹ ngày xưa, một mình tần tảo nuôi mình ăn học". Chính vì lý do ấy mà quỹ thời gian rảnh cho bản thân cũng như để tham gia các câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa bị hạn chế.

Bài học về sự khiêm tốn

"Môi trường đại học và làm việc đã dội cho tôi một gáo nước lạnh để biết được mình là ai", đó là bài học quý giá mà nữ thủ khoa đã chiêm nghiệm được. Xuyến bộc bạch rằng dù đạt được tấm bằng Xuất sắc tại Đại học Bách khoa, nhưng khi bước chân vào thị trường lao động, cô vẫn phải trau dồi thêm rất nhiều.

Có một câu chuyện mà Xuyến thường xuyên kể với các học sinh của mình: "Một bạn sinh viên đỗ vào trường với điểm số rất cao, tuy nhiên trong quá trình học lại để trượt môn, thậm chí còn bị cảnh cáo mức 3". Nguyễn Thị Xuyến giải thích, vấn đề mấu chốt nằm ở tâm lý mỗi người, đừng nên quá chủ quan, mà phải thật khiêm nhường, đặt cái tôi của bản thân xuống và học hỏi nhiều hơn.

"Đừng đánh giá trình độ một người thông qua tấm bằng đại học", Xuyến đánh giá có rất nhiều người thông minh, tuy nhiên họ không thể hiện quá nhiều nên thành tích của họ không được tốt bằng người chăm chỉ. "Chính bản thân tôi học được rất nhiều điều từ những bạn có thành tích không bằng mình nhưng có tư duy tốt", nữ sinh nói thêm.

su-cham-chi-khiem-nhuong-cua-nu-thu-khoa-dai-hoc-bach-khoa-ha-noi-3-1653809127863-1654155104.jpg
Dù đạt được nhiều thành tích cao nhưng Xuyến vẫn luôn nỗ lực trau dồi thêm kiến thức (Nguồn: HUST - CCPR).

Mục tiêu trong những năm tới của Nguyễn Thị Xuyến là tiếp tục sự nghiệp, và nếu được, sẽ cân nhắc tới chuyện học lên cao học để nâng cao trình độ.