Nỗ lực cao nhất để giải toả nông sản ùn ứ tại cửa khẩu

Tới nay, hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc vẫn có thể trở lại nghiêm trọng bởi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, năng lực bốc dỡ hàng hóa càng ngày càng hạn chế do nhân lực bốc xếp nghỉ việc về quê ăn Tết.

Ngày 18-1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban chỉ đạo giải quyết tình hình ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc tìm các giải pháp duy trì thông quan hàng hóa và sự liên tục của chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Còn tồn 2.643 xe hàng tại Lạng Sơn và Quảng Ninh

Cập nhật tình hình thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, từ đầu tháng 12-2021, Trung Quốc đã liên tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại tất cả các cửa khẩu, bao gồm cả cảng biển và các cửa khẩu biên giới đất liền dẫn tới tiến độ thông quan hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc này, kết hợp với việc nhiều nông sản xuất khẩu của Việt Nam vào chính vụ thu hoạch, đã gây ra tình trạng ùn tắc hàng hóa, phương tiện trên diện rộng tại hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh. Cao điểm ùn tắc xảy ra vào các ngày 24 và 25-12-2021, khi có tới gần 6.000 phương tiện chờ xuất khẩu. Bên kia biên giới cũng tồn đọng hàng nghìn xe chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.

hang-hoa-un-u-tai-cua-khau-tan-thanh-lang-son-1642579598.jpg
Hàng hóa ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn

Trước tình hình này, lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh biên giới đã cùng vào cuộc để xử lý tình trạng ùn tắc. Nhờ nỗ lực và thiện chí của tất cả các bên, tình hình tới nay đã có sự cải thiện đáng ghi nhận, hoạt động thông quan tại một số cửa khẩu đã được khôi phục. Theo báo cáo của sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, đến 8 giờ sáng 17-1-2022, toàn tuyến biên giới phía Bắc đã có 12 cửa khẩu, lối mở hoạt động. Tổng lượng xe còn tồn tại hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh là 2.643 xe, giảm hơn 3.000 xe so với thời điểm cuối tháng 12-2021. Hàng hóa nhập khẩu cũng được giải tỏa đáng kể, đáp ứng nhu cầu vật tư, nguyên liệu cho sản xuất trong nước.

Hoạt động thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, Bộ Công Thương đánh giá tình hình vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi hằng ngày vẫn có lượng lớn xe chở hàng tiếp tục dồn lên cửa khẩu. “Tình trạng ùn tắc vẫn có thể trở lại nghiêm trọng vào bất cứ lúc nào bởi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, năng lực bốc dỡ của cả hai bên lại càng ngày càng hạn chế do nhân lực bốc xếp nghỉ việc về quê ăn Tết”, ông Phan Văn Chinh cho biết. Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, để tập trung xử lý số lượng phương tiện còn tồn đọng từ nay tới Tết Nguyên đán, các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Lào Cai đã buộc phải dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả và hàng đông lạnh vào khu vực cửa khẩu từ ngày 17-1-2022.

Sớm hình thành các "vùng xanh" tập kết hàng hóa

Để duy trì thông quan hàng hóa và sự liên tục của chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khuyến cáo, hiện nay, khâu đóng gói bao bì là quan trọng nhất vì nếu phía bạn phát hiện có virus trên bao bì sẽ lập tức ngừng thông quan. Do đó, các địa phương cần khuyến cáo chủ các vựa trái cây, lái xe chú trọng công tác khử khuẩn, nếu không sẽ rất khó khăn cho việc thông quan. Đồng thời, cần đẩy mạnh tuyên truyền để các địa phương hạn chế đưa hàng hóa nông sản lên cửa khẩu giai đoạn này nhằm tránh áp lực cho các tỉnh biên giới.

Nhấn mạnh tới yêu cầu "an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn", ông Phan Văn Chinh đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng hướng dẫn các tỉnh biên giới phía Bắc thiết lập các vùng đệm an toàn (vùng xanh) với tiêu chuẩn, quy trình hài hòa, hợp lý với phía Trung Quốc để vừa xây dựng, củng cố lòng tin vào các biện pháp phòng dịch của nhau, vừa tạo điều kiện giảm bớt thời gian thông quan tại cửa khẩu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhiều lần đề nghị, các đơn vị và địa phương cần nỗ lực cao nhất để bảo đảm thông quan hàng hóa, nông sản tại các cửa khẩu, tránh thiệt hại cho người nông dân. Trong đó, các địa phương có cửa khẩu cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương thiết lập vùng an toàn dịch bệnh để tập kết hàng hóa, xử lý kỹ thuật, bảo đảm an toàn dịch bệnh cho hàng hóa và người vận chuyển hàng hóa. Đồng thời tổ chức tốt việc phân luồng giao thông, tránh ách tắc; bảo đảm chỗ ăn nghỉ cho lái xe, chủ hàng và các dịch vụ cần thiết cho lưu trú, bảo quản tạm thời hàng hóa; tổ chức lực lượng phối hợp với phía bạn và chủ hàng để giao nhận, thanh toán.