Ông Vì Văn Khiên, Trưởng bản Mường Pồn 1, xã biên giới Mường Pồn, huyện Điện Biên cho biết: Quãng thời gian đi vận động dân bản giữ rừng vô cùng gian nan. Những năm 1995 trở về trước rừng quanh khu bản Mường Pồn 1 nghèo kiệt lắm, không những vì do người dân bản chặt phá mà cả người dân nơi khác cũng đổ về tìm măng, đào cây. Thương rừng, xót rừng, chúng tôi đã đến từng nhà trong bản kêu gọi bà con góp sức chăm cây, giữ rừng nhưng đáp lại bà con chỉ lặng lẽ quay đi. “Có người già thương tình thì hỏi, rừng bao la như thế thì giữ bằng cách nào?”.
Chính câu hỏi ấy đã thúc giục Trưởng bản Khiên tìm được “đáp án” giữ rừng bằng cách thành lập tổ luân phiên đi tuần tra rừng. Mỗi lần đi tuần tra thì thành viên trong tổ đem theo nước tưới cây nhỏ, dùng dao phát cỏ quanh cây lớn… Dần dần, rừng của bản Mường Pồn 1 hồi sinh.
Đến năm 2011, khi khu rừng của bản Mường Pồn 1 được chính quyền địa phương cấp sổ giao khoán khoanh nuôi, bảo vệ, hằng năm được trả tiền dịch vụ môi trường rừng thì nhân dân trong bản hoàn toàn tin lời vận động giữ rừng của Trưởng bản Khiên là đúng lắm, người dân có thêm động lực, phương tiện chăm sóc, trồng rừng.
Trưởng bản Vì Văn Khiên, cho biết: "Chăm sóc, bảo vệ hơn 400ha rừng, mỗi năm bản Mường Pồn 1 được chi trả từ 450-500 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Nhờ nguồn tiền công này, các gia đình trong bản sắm được ti-vi, tủ lạnh, có điều kiện chăm lo cho con cái học tập tốt hơn. Cuộc sống ngày càng thêm ấm no nhờ rừng, gần chục năm nay bà con trong bản Mường Pồn 1 đã bỏ hẳn nương trong rừng để tập trung làm lúa nước và cây màu. Những khi nông nhàn, bà con vào rừng tìm cây măng, hái nấm đều có sự giám sát của thành viên Tổ quản lý, bảo vệ rừng của bản chứ không phải ai muốn vào rừng làm gì thì làm kiểu mạnh ai nấy làm như trước nữa!"
Cũng là người tiên phong bảo vệ rừng ở địa phương, nhưng với ông Lò Văn Hán,Trưởng bản Lả Chà, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), thì khó nhất là những ngày đầu đi vận động bà con dân bản thay đổi thói quen khai thác tận diệt rừng.
Ông Lò Văn Hán cho biết: "Sống giữa rừng, cái ăn nhờ rừng, cái đun nấu từ rừng… nhưng trước đây người Cống bản Lả Chà lại không nghĩ đến ngày rừng cạn kiệt. Cho nên, việc lớn việc bé cần đến tiền thì bà con cứ vào rừng, thế nên rừng ngày càng thưa cây, nước càng cạn. Cuộc sống của người Cống ở đây ngày càng khó khăn hơn. Và khi ấy, được cán bộ địa phương về tuyên truyền Luật Bảo vệ phát triển rừng, hướng dẫn cách chăm sóc, bảo vệ rừng để hưởng lợi từ rừng một cách hài hòa, bền vững thì ông Hán đã hiểu việc cần thiết bảo vệ rừng. Nhưng mình ông hiểu, mình ông giữ rừng không nổi nên ông Hán đã đến từng nhà anh em, họ hàng thân thiết giải thích để mọi người hiểu. Rồi sau đó, người nhà ông Hán tiếp tục vận động họ hàng, bà con trong bản, dòng họ cùng góp sức giữ rừng. Cứ như thế, theo thời gian tình yêu với rừng lớn dần trong cộng đồng bà con dân tộc Cống bản Lả Chà."
Nhờ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng cuộc sống của người dân bản Lả Chà ngày càng khấm khá, người dân có thêm động lực làm tốt hơn công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Vất vả hơn ông Hán, ông Khiên, “công cuộc” vận động dân bản giữ rừng của Trưởng bản Phình Sáng - Thào A Giáo, ở xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) được ví như “không thể!”. Ông Giáo nói rằng, vì rừng bản Phình Sáng có nhiều cây gỗ nghiến - loại gỗ quý hiếm cho nên người buôn gỗ cứ đổ về đây xúi giục dân bản đi khai thác. Nhiều người còn sẵn sàng đưa tiền trước, sẵn sàng mua gỗ bằng bất cứ giá nào. Vậy nên khi ông Giáo vận động được dân bản đồng lòng giữ rừng thì người buôn gỗ lại dùng mọi cách khiêu khích và ra giá mua gỗ nghiến cao hơn...
Cùng với thời điểm ông Giáo nỗ lực thuyết phục dân bản không chặt cây rừng thì chính quyền địa phương cũng thông báo rừng khoanh nuôi bảo vệ, nghiêm cấm mọi hành vi chặt phá rừng bởi thế mà bà con đã hiểu, không chặt cây gỗ quý trong rừng nữa. Đến bây giờ, 100% gia đình trong bản Phình Sáng đã ký cam kết bảo vệ gần 540ha rừng; 100% gia đình trong bản cũng tự nguyện bỏ nương thuộc diện tích rừng đã nhận khoán khoanh nuôi. Nhờ công bảo vệ rừng, dân bản Phình Sáng được hưởng dịch vụ môi trường rừng; cuộc sống người H’Mông bản Phình Sáng ngày càng đổi thay.
Cảm ơn tấm lòng, tình yêu với rừng của các trưởng bản, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên Hà Lương Hồng, đã nói rằng: "Chính cách làm, tấm gương bảo vệ rừng của các trưởng bản như ông Khiên, ông Giáo và ông Hán… đã tiếp động lực, niềm tin để đồng bào các dân tộc thêm gắn bó với rừng. Nhờ đó, diện tích rừng của Điện Biên đã ngày càng tăng lên, hiện tại Điện Biên đã có hơn 415 nghìn ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 43,54%".