Những dấu hiệu cho thấy người có ý định tự tử, nhận biết sớm có thể cứu được sinh mạng con người

Huyền Văn
Chuyên gia tâm lý chia sẻ, việc phát hiện sớm những dấu hiệu của người có ý định tự tử sẽ kịp thời tư vấn, ngăn chặn, cứu vớt một sinh mạng.

Vụ việc nam sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam tự tử vì áp lực học tập vừa là câu chuyện buồn, cũng là lời cảnh tỉnh cho không chỉ là các bậc phụ huynh mà các trường học. Trẻ em hiện nay chịu nhiều áp lực từ học tập, kì vọng từ gia đình… dễ gây lên những ảnh hưởng sức khỏe tinh thần. Đặc biệt là với những bạn trong lứa tuổi vị thành niên mà ít được trang bị kĩ năng sống, thái độ sống. Khi gặp khó khăn, áp lực trong cuộc sống thay vì tìm cách giải quyết lại bế tắc dẫn tới hành động tiêu cực.

Theo Chuyên gia Giáo dục- TS. Vũ Việt Anh, Học viện Thành Công, tự tử được xem như một vấn đề xã hội ít được mọi người chú ý, nhưng lại cướp đi sinh mạng của con người. Trong khi đó, tự tử lại hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Việc phát hiện sớm những dấu hiệu của người có ý định tự tử sẽ kịp thời tư vấn, ngăn chặn, cứu giúp họ.

tu-tu-1649305086.jpg
Có nhiều dấu hiệu giúp phát hiện người có ý định tự tử (Ảnh minh họa: Internet)

10 dấu hiệu sau đây sẽ cho thấy những người có ý định tự tử:

1. Nói về tự tử, về cái chết: Người có ý định tự tử thường nói về tự tử, về cái chết hoặc sự trừng phạt bản thân.

2. Chuẩn bị các phương tiện để tự tử: Họ tìm kiếm, chuẩn bị dao, kiếm, thuốc ngủ, dây hoặc thường tới những nơi có thể tự tử như hành lang nhà cao tầng, cầu, sông, hồ....

3. Quan tâm tới cái chết: Thể hiện sự quan tâm bất thường về cái chết, như làm thơ, viết nhật ký, tự truyện có đề cập đến cái chết và sự ra đi của mình. Tìm đọc các sách, báo, phim ảnh về cái chết.

4. Không còn hy vọng về tương lai: Bày tỏ sự vô vọng, mất niềm tin vào cuộc sống, vào tương lai. Trong lời nói, thư từ, email, facebook của người có ý định tự tử thường thể hiện sự vô vọng, không thiết sống.

5. Căm ghét, đày đọa bản thân: Có cảm giác tội lỗi, xấu hỗ, vô giá trị hoặc chán ghét bản thân. Họ thường nói về tội lỗi hoặc gánh nặng của bản thân mình đối với những người xung quanh. Ví dụ: "không có tôi thì anh sẽ sướng hơn...".

6. Sắp xếp tư trang và các việc riêng: Sắp xếp lại tư trang, cho đi các đồ vật có giá trị hoặc liên lạc với các thành viên gia đình và bạn bè, như nhờ ai đó giúp gửi lời nhắn tới gia đình, tới người thân....

7. Nói những lời tạm biệt: Có thể bất ngờ tới thăm hoặc gọi điện cho người thân và bạn bè và nói những lời vĩnh biệt hoặc nhắn gửi, ám chỉ sự chia tay, như "nếu không còn gặp lại thì...".

8. Rút lui khỏi người thân, bạn bè: Trong thời gian trầm cảm, bế tắc, người có ý định tự tử thường sống khép mình, tự cô lập mình với người thân, bạn bè.

9. Có hành vi khác thường: Từ ăn, ngủ thất thường, có các xích mích, xung đột với mọi người xung quanh; Sử dụng rượu, bia, thuốc lá và các chất kích thích nhiều hơn bình thường; Có lối sống buông thả và coi thường rủi ro....

10. Đột ngột thay đổi tâm tính: Có thể thay đổi tâm tính từ lo âu, trầm cảm sang điềm tĩnh, vui vẻ, thoải mái. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy người này đã có giải pháp vượt qua bế tắc, nhưng đa số là họ thay đổi tâm tình vì đã đưa ra quyết định tự tử rồi. Họ bình thản chờ cơ hội để thực hiện. Vì vậy, cần phải theo dõi, hỗ trợ để ngăn ngừa họ thực hiện tự tử.

"Chúng ta cần phải quan sát hành vi, thói quen sinh hoạt hàng ngày có hành động gì bất thường không. Ngày nay trẻ được tiếp cận nhiều với mạng internet, cha mẹ cần lưu ý thêm khoảng không gian trên mạng của con. Khi thấy con có những tin nhắn trao đổi với bạn bè mà hay nhắc đến những chuyện tiêu cực, không vui cần lưu tâm để quan tâm con nhiều hơn" – TS Việt Anh chia sẻ.