Độc đáo sản phẩm rồng đất tại làng gốm 500 năm tuổi

Hằng năm, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, làng gốm Thanh Hà (Quảng Nam) lại tổ chức trưng bày linh vật theo chủ đề con giáp tại công viên đất nung của làng nghề, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Năm nay, các hộ làm gốm tại làng gốm Thanh Hà lại tất bật chuẩn bị tạo nên những sản phẩm mới với hình tượng con rồng cho Xuân Giáp Thìn 2024.

Đến thăm cơ sở sản xuất gốm truyền thống của nghệ nhân Nguyễn Thành Long (70 tuổi, phường Thanh Hà. TP. Hội An), chúng tôi thấy người nghệ nhân già đang miệt mài đắp từng bộ phận cho những con rồng làm từ đất sét.

“Năm nay là năm con rồng, do vậy Ban Quản lý Làng gốm Thanh Hà và UBND phường có đặt hàng tôi làm 4 con rồng làm bằng gốm truyền thống để trang trí. Con rồng mà tôi đang thực hiện là hình tượng rồng quấn quanh chiếc bình, miệng ngậm ngọc - biểu tượng của sự bắt đầu tươi mới và may mắn”, nghệ nhân Nguyễn Thành Long cho biết.

anh-1-1-1705729890.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thành Long đang tạo hình linh vật con rồng từ đất sét

Để chế tác hình tượng con rồng là không dễ. Ông Long cho biết vì cơ sở của ông làm gốm theo phương thức sản xuất truyền thống, do vậy hoàn toàn phải tạo hình sản phẩm một cách thủ công, đòi hỏi sự tỉ mỉ cao trong chạm khắc. Để hoàn thiện linh vật năm nay, theo ông Long, phải tốn nhiều công sức hơn mọi năm do chi tiết của loài rồng có nhiều phần nhỏ. Đối với các phần vảy, mắt, miệng rồng thì người nghệ nhân cần phải chăm chút để làm sao cho sản phẩm sinh động, đẹp mắt nhất, với loài rồng là toát lên vẻ kiêu hùng, dũng mãnh nhưng không được làm quá dữ tợn.

anh-2-1-1705729449.jpg
Tạo hình bức tượng rồng được nghệ nhân Nguyễn Thành Long chuẩn bị tỉ mỉ cho dịp Tết sắp đến

Tiếp nối truyền thống làm gốm lâu đời của gia đình, ông Long cho biết đến đời mình là thế hệ thứ 3 duy trì việc làm gốm của ông bà tổ tiên, hiện ông đã gắn bó với nghề gốm truyền thống hơn 50 năm. Với ông mỗi sản phẩm gốm thủ công là câu chuyện, tâm tư, tình cảm của người thợ làm gốm gửi vào trong đó nên mỗi sản phẩm sẽ chứa đựng dấu ấn, nét đặc trưng riêng. Sản phẩm gốm của làng gốm Thanh Hà cũng như vậy, có những nét riêng không lẫn đi đâu được.

anh-3-1-1705729449.jpg
Tạo hình rồng không được quá dữ tợn, nhưng phải toát lên thần thái uy nghiêm, dũng mãnh

Không chỉ sản xuất các sản phẩm trang trí và đồ thủ công mỹ nghệ, vào vụ Tết, làng gốm Thanh Hà cũng sản xuất nhiều sản phẩm đời sống hằng ngày, phục vụ nhu cầu thị trường vào mùa cao điểm.

Như cơ sở sản xuất gốm của bà Nguyễn Thị Thuỷ, bà cho biết vào vụ Tết thì số lượng đơn hàng đặt các sản phẩm như gia dụng như nồi đất, niêu đất… thường tăng cao. “Đơn hàng từ các tỉnh đổ về trong dịp Tết này là không ít. Thường thì nồi, niêu đất được đặt để sản xuất sản phẩm để phụ trợ cho các món ăn truyền thống như thịt kho, cá kho nên nhu cầu thị trường là rất lớn”, bà Thuỷ chia sẻ.

anh-4-1-1705729449.jpg
Làng gốm Thanh Hà tất bật chuẩn bị để đưa sản phẩm ra thị trường

Hiện sản phẩm gốm thương hiệu “Làng gốm Thanh Hà” đã có mặt ở nhiều nơi trong cả nước, được nhiều người tin dùng, ưa chuộng. Theo ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP. Hội An, trong thời gian vừa qua tỉnh Quảng Nam và TP. Hội An đã có nhiều hoạt động trong việc hỗ trợ các làng nghề để vừa duy trì hoạt động sản xuất truyền thống, vừa phục vụ khách du lịch. Ông cho biết địa phương đã và đang nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các khu làng nghề truyền thống để để đảm bảo hoạt động sản xuất và vận chuyển, đồng thời giúp du khách có đủ trải nghiệm khi đến với địa phương.

Nhật Minh – Quang Vũ