Nhiều chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành

Sáng 25/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
quoc-hoi-25052024-01-1716605866.jpg
Quang cảnh phiên họp sáng 25/5. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Nghị quyết số 43 được Quốc hội ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi dịch COVID-19 với những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây tác động tiêu cực nặng nề đến đời sống người dân và tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Nghị quyết với nhiều chính sách mạnh mẽ, quyết liệt, mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhằm đạt “mục tiêu kép”: hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp phục hồi và phát triển nền kinh tế sau đại dịch.

Đến hết năm 2023, sau 2 năm triển khai Nghị quyết số 43, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội. Các hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước từ trạng thái thích ứng với dịch bệnh nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, từng bước phục hồi. 

Thông tin cụ thể, ông Lê Quang Mạnh cho biết, qua 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành. Tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,12%, là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022; năm 2023 đạt 5,05% là mức khá cao trong điều kiện thế giới và trong nước đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; điều hành linh hoạt, phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; việc huy động, phân bổ và điều hòa sử dụng vốn đầu tư công giúp đưa nguồn lực vào nền kinh tế hợp lý; lạm phát được kiềm chế, lãi suất, tỷ giá được điều hành phù hợp, ổn định; bội chi ngân sách, nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép và thấp hơn so với mức dự kiến. 

Nhiều chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời như: chính sách tín dụng qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế suất giá trị gia tăng đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh. Các cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua đã phát huy hiệu quả, tăng cường trách nhiệm, năng lực điều hành, tính chủ động, sáng tạo của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, rút ngắn thời gian thực hiện, thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn, bổ sung dòng tiền quan trọng, kịp thời cho nền kinh tế, đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đầu tư. 

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan triển khai thực hiện dự án, đề ra các mốc tiến độ, triển khai các cơ chế đặc thù theo yêu cầu. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện, đặc biệt trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, mỏ vật liệu đất đắp, cát đắp nền cho các dự án. Tiến độ chuẩn bị triển khai các dự án tuy chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ nhưng đã được rút ngắn đáng kể so với thực tế triển khai các dự án trước đây. 

Các dự án được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, các dự án thành phần phân cấp cho địa phương làm cơ quan chủ quản đã triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu và được bố trí đủ vốn ngân sách địa phương theo cam kết.

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng và chịu tác động lớn của đại dịch COVID-19, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nỗ lực, cố gắng để hoàn thành đưa vào khai thác 635 km thuộc Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.001 km và phát huy hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, tiết kiệm thời gian di chuyển, chi phí xã hội, đáp ứng được sự mong muốn của người dân và doanh nghiệp. 

“Cùng với các chính sách tài khóa kích cầu tiêu dùng của Nghị quyết số 43, các dự án quan trọng quốc gia đã thúc đẩy mạnh mẽ tổng cầu đầu tư của nền kinh tế, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh.

Nghiêm túc kiểm điểm, có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại

Bên cạnh những kết quả tích cực là cơ bản, Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng chỉ ra còn những tồn tại, hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 43 như: công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chậm, chưa đảm bảo tính sẵn sàng để thực hiện, giải ngân vốn theo yêu cầu về thời hạn của Nghị quyết; danh mục dự án trình Quốc hội không sát thực tế, phải điều chỉnh nhiều; việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, phân bổ vốn còn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn của Chương trình.

Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn nhiều dự án không bảo đảm thời hạn quy định trong 2 năm 2022 - 2023, đặc biệt, các dự án đầu tư trong lĩnh vực y tế, công nghệ thông tin có tiến độ rất chậm. 
 
Một số chính sách thực hiện không đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra như: chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đạt tỷ lệ giải ngân thấp (chỉ đạt khoảng 3,05% kế hoạch); chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động (đạt 56% kế hoạch), phải chuyển nguồn để thực hiện chính sách khác...

Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động tại một số địa phương còn chậm, lúng túng; việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, chậm so với yêu cầu đề ra. Việc mua sắm, cung ứng thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế cho nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn, đôi lúc bị gián đoạn hoặc chậm cung ứng, ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh.

Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế, năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu của doanh nghiệp suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh nợ xấu. Nhiều địa phương có tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước và thấp hơn mức tăng trưởng của toàn hệ thống. Đến hết năm 2023, còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thách thức, chưa phục hồi được sau tác động của dịch COVID-19.

Trong thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia, tiến độ hoàn thành một số dự án còn chậm, một số dự án dự kiến tăng tổng mức đầu tư, dẫn đến phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Công tác dự báo, chuẩn bị đầu tư một số dự án còn hạn chế, chưa lường hết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, dẫn đến phải điều chỉnh trong quá trình thực hiện; một số dự án mới hoàn thành đưa vào khai thác trong thời gian ngắn đã phải đề xuất đầu tư mở rộng.

Một số dự án hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác nhưng chưa được đầu tư đồng bộ trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS) gây khó khăn cho các đối tượng tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông; việc chưa tổ chức thu phí dẫn đến vướng mắc trong công tác quản lý, khai thác, bảo trì công trình…

Báo cáo cũng phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của những tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của các cơ quan và nêu các giải pháp, kiến nghị. Theo đó, Đoàn Giám sát đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đến ngày 31/12/2024 hoàn thành giải ngân vốn của Chương trình đã được phân bổ để đưa các dự án đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư vốn. Trường hợp không thể hoàn thành việc giải ngân theo kế hoạch, đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư, cơ quan chủ quản dự án; đồng thời, đề xuất, báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2025, không để dự án dở dang, kém hiệu quả.

Chính phủ quan tâm chỉ đạo rà soát các hạn chế, bất cập trong các chính sách, pháp luật liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cơ quan liên quan nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và khẩn trương có giải pháp đồng bộ để khắc phục tồn tại, hạn chế, nguyên nhân đã được chỉ ra tại Báo cáo kết quả giám sát. Quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện các dự án bảo đảm chất lượng, hoàn thành theo tiến độ yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.