Đó là yêu cầu của Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, bàn phương án để chủ động ứng phó với tình hình động đất diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Cuộc họp diễn ra chiều 24/8, tại Hà Nội.
Phó Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài yêu cầu các bộ, ngành và địa phương đặc biệt lưu ý đánh giá mức độ và đưa ra các phương án ứng phó khi cường độ động đất có độ lớn là 5,5 liệu có thể ảnh hưởng nặng nề đến các công trình, khu vực dân cư, khu vực sản xuất... hay không, đồng thời cần rà soát toàn bộ các công trình trong khu vực 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, trong đó đặc biệt chú ý đến công trình nhà tạm có người dân ở, các công trình công cộng chưa được sửa chữa…
Các địa phương cần triển khai lực lượng xuống tận các bản làng, yêu cầu lực lượng xung kích ở cấp xã rà soát những khu vực xung yếu để có biện pháp đảm bảo an toàn. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã được thiết kế đảm bảo an toàn nhưng vẫn phải theo dõi và đánh giá thường xuyên, nhất là những thủy điện có đường ống áp lực có mái dốc…
Các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đến người dân để nắm bắt kịp thời, chính xác về tình hình cũng như những kỹ năng phòng tránh động đất, từ đó người dân chủ động ứng phó và yên tâm hoạt động sản xuất, tránh gây tư tưởng hoang mang không cần thiết.
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum tổng hợp lại các thiệt hại do động đất gửi về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phó Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu Phạm Thế Truyền cho biết, theo nhận định bước đầu của Viện, chuỗi các trận động đất xảy ra ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum là do hồ chứa. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân phát sinh động đất thì phải có cơ sở dự báo xu thế động đất ban đầu, cũng như cường độ động đất trong tương lai, đồng thời cần đánh giá chi tiết và tiến hành các nghiên cứu cụ thể cho khu vực này.
Những nhiệm vụ mà Viện triển khai ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng là đã tiến hành lắp đặt 3 trạm quan trắc động đất tại huyện Kon Plông và lân cận. Dự kiến trước ngày 2/9, Viện sẽ lắp đặt thêm 3 trạm quan sát động đất nữa. Ngoài ra, 2 trạm quan trắc động đất cũng sẽ được lắp đặt gần đập thủy điện Đăk Đring Kon Tum.
Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam đã phê duyệt các nhiệm vụ, kỹ năng ứng phó động đất tại khu vực tỉnh Kon Tum và các vùng lân cận. Viện Vật lý địa cầu đã có công văn đề nghị với tỉnh Kon Tum để phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền.
Để đảm bảo công tác thực hiện phòng, chống và giảm nhẹ thiệt hại lâu dài do động đất, Viện Vật lý địa cầu cần tiến hành tăng cường mật độ hệ thống trạm quan trắc mặt đất không chỉ ở huyện Kon Plông mà ở các huyện khác, đồng thời các cơ quan liên quan tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo việc tiến hành phân vùng rủi ro động đất.
Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum chia sẻ, những trận động đất vừa qua không gây thiệt hại về người và tài sản, song người dân có hoang mang, lo sợ khi động đất xảy ra. UBND huyện đã tuyên truyền đến nhân dân bằng việc chia các tổ trong cấp ủy xuống địa bàn các xã để động viên nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Ông Lê Văn Chính, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin, theo nhận định bước đầu, động đất ở huyện Kon Plông là động đất kích thích, tức là do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân, có cảnh báo cho tương lai, cần có sự khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về các chính sách kiến tạo động đất và chế độ địa chấn trong khu vực và vùng lân cận. Động đất ở Kon Tum và vùng lân cận chưa đủ chi tiết để đánh giá về nguyên nhân và mức độ (động đất kích thích chưa có nghiên cứu chi tiết nào). Do vậy, muốn đánh giá được nguyên nhân và đề ra được biện pháp ứng phó phù hợp cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.
Theo ông Lê Minh Long, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Xây dựng, đối với vấn đề động đất, cần nhìn nhận các vấn đề liên quan đến công trình, bao gồm các công trình hồ đập, công trình dân dụng và công nghiệp trong khu vực xảy ra động đất. Với mức độ động đất vừa xảy ra tại tỉnh Kon Tum, theo tiêu chuẩn cũng như quy chuẩn Việt Nam thì nằm ở cấp 6.
Trong vòng 1 - 2 ngày tới, Bộ Xây dựng sẽ chuyển hướng dẫn sửa chữa nhà hư hỏng và xây mới công trình dân dụng thấp tầng trong vùng động đất ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và đề nghị đơn vị chức năng của tỉnh hướng dẫn cụ thể cho người dân, đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục phổ biến, tuyên truyền về mức độ động đất tới người dân để tránh gây hoang mang không cần thiết.
Ông Lê Quang Huy, chuyên viên Vụ An toàn giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho hay, đã rà soát, kiểm tra, đánh giá tổng thể các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Qua đó cho thấy, các tuyến quốc lộ trọng điểm như 14H, 14 P, 24, 24P, 24C và một số tuyến đường của các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam không xảy ra sự cố mất an toàn giao thông do động đất. Bộ đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan, Sở Giao thông vận tải các tỉnh tiếp tục rà soát các tuyến quốc lộ để cập nhật, báo cáo, chỉ đạo kịp thời.
Ông Trịnh Văn Thuận, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương thông tin, sáng 24/8, Cục Kỹ thuật an toàn công nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành công văn chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và chủ các hồ chứa thủy điện triển khai một số công việc ứng phó với động đất.
Trong thời gian gần đây, động đất xảy ra thường xuyên và có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cụ thể, năm 2021 có 114 trận (gấp 3,5 lần 117 năm trước đó); 8 tháng đầu năm 2022 có 146 trận (gấp 1,3 lần năm 2021).
Từ ngày 15 - 28/4/2022, đã xảy ra liên tiếp 41 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 4,5, trong đó ngày 15/4 độ lớn 4,1 và ngày 18/4 độ lớn 4,5.
Từ ngày 23 - 24/8/2022, đã xảy ra liên tiếp 12 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 4,7, trong đó trận động đất lúc 14h08 ngày 23/8 có độ lớn 4,7 (tương đương cường độ động đất tại thủy điện Sông Tranh 2).
Từ năm 1903 đến năm 2020 (117 năm) đã ghi nhận 33 trận động đất có độ lớn từ 2,5 - 3,9.