Nhân lực chất lượng cao tạo động lực cho mô hình phát triển mới

Làm rõ thêm các giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, chiều 6/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho hay, thế giới chuyển đổi mô hình phát triển sang hướng mới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp, với yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực.
nlntv-tranhongha-1686096709.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Do đó, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ góc độ quan điểm, tư duy và chủ trương, chúng ta cần rà soát các vấn đề liên quan đến chính sách tăng trưởng xanh của đất nước; phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ… Các vấn đề này liên quan mật thiết đến một trong ba đột phá chiến lược được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định, đó là phát triển nguồn nhân lực - lực lượng chủ yếu, nguồn tài nguyên mới.

"Nhân tài chính là động lực mới cho phát triển", Phó Thủ tướng nêu rõ.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) đối với nền kinh tế, Phó Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã có những cơ chế để thành lập, vận hành các quỹ R&D, tuy nhiên, năng suất lao động chưa đạt được sự bứt phá. Vì vậy, chúng ta cần tiếp tục đổi mới nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, trên cơ sở tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các lĩnh vực nghiên cứu, có tính kết nối, liên thông từ giáo dục phổ thông cho đến trung cấp, cao đẳng nghề, đại học, sau đại học; giữa nghiên cứu cơ bản với chuyển giao công nghệ, triển khai.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng khẳng định hoạt động R&D cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong chuyển đổi số, tập trung lĩnh vực công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, dược sinh học, kết nối vạn vật, máy tính, lượng tử, những công nghệ mới liên quan đến năng lượng tái tạo… Đây chính là tiềm năng có thể tạo ra công ăn việc làm mới, ngành nghề mới. Tuy nhiên, nhân sự của các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm 15% tổng số nhân lực R&D của cả nước, trong khi tỉ lệ này ở các nước OECD chiếm trên 50%, riêng châu Âu là 56,3%.

Đồng tình với các đại biểu, Phó Thủ tướng cho rằng khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực cần thực hiện bằng được thông qua các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chiến lược, quy hoạch; hoàn thiện hành lang, quy định pháp lý; tạo động lực cho mô hình phát triển mới của đất nước.

"Như vậy, Việt Nam có thể đi sau nhưng có thể đón đầu, đặc biệt trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng", Phó Thủ tướng nói.