Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển 

Ngày 20/12, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”. Đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.
nlntv-thutruong-1671605740.jpg
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển”.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 với chủ đề “Nhận diện, tháo gỡ vướng mắc pháp lý: Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển” được tổ chức trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là trong bối cảnh trận đại dịch COVID-19.

nlntv-thutruong-1671605740.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu phát biểu khai mạc Diễn đạt

Diễn đàn trở thành cơ hội để các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng nhau lắng nghe; cùng ngồi lại để xác định rõ một số vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý liên quan tới hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đặt trong bối cảnh hiện nay; từ đó có thể đề xuất các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. 

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định 3 năm qua, tình hình thế giới rất phức tạp. Môi trường quốc tế bất ổn và đại dịch COVID-19 đặt ra nhiều khó khăn rất lớn, chưa có tiền lệ, nhất là trong việc duy trì và phát triển kinh tế-xã hội, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

nlntv-phambinhminh-1671605316.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Phó Thủ tướng đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải đương đầu với vô vàn khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí gia tăng, thị trường biến động… Do vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh và phát triển bền vững sau đại dịch là nhiệm vụ rất quan trọng, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm.

“Việc cơ quan Nhà nước chủ động, tích cực đồng hành với doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có việc tháo gỡ ách tắc, điểm nghẽn về pháp lý nhằm giúp doanh nghiệp hoạt động lành mạnh, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh là rất cần thiết”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương nghiên cứu các ý kiến của doanh nghiệp tại Diễn đàn này, có phương án hỗ trợ, giải quyết kịp thời; chủ động nhận diện, cảnh báo, trao đổi về những khó khăn, vướng mắc pháp lý, giúp doanh nghiệp kịp thời có biện pháp xử lý, bao gồm cả việc tiếp cận và sử dụng các phương tiện hỗ trợ pháp lý.

nlntv-anh2-1671605735.jpg
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2022 trong phiên thảo luận “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý”.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn đã tham gia thảo luận sôi nổi trong 02 Phiên: Phiên thảo luận 1: “Tiếp cận các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và quản trị rủi ro pháp lý” - tập trung thảo luận các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phục hồi của doanh nghiệp thông qua các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đối với doanh nghiệp (gồm nhận diện các vướng mắc pháp lý, nguyên nhân của các vướng mắc đó và phương hướng xử lý).

Phiên thảo luận 2: “Tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh” - tập trung vào các vấn đề pháp lý liên quan đến sự phát triển của doanh nghiệp, bao gồm việc nhận diện các rào cản pháp lý để có giải pháp khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

nlntv-anh4-1671605515.jpg
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn.

Những ý kiến, tham luận, kiến nghị, đề xuất được nêu ra tại Diễn đàn đã giúp các Bộ, ngành, địa phương nắm bắt được yêu cầu, nguyện vọng cũng như các khó khăn, vướng mắc về pháp lý của doanh nghiệp; đồng thời, giúp cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ hơn tầm quan trọng của thể chế, pháp luật trong việc bảo đảm ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của mình, hiểu rõ hơn vai trò của mình trong quá trình đóng góp xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật.

Nguyễn Liên