"Chúng ta không thể tiêm chủng toàn cầu sau mỗi 4 đến 6 tháng. Đó là một chiến lược tốn kém và không bền vững", ông Pollard, Giám đốc Nhóm vaccine Oxford, người đứng đầu Ủy ban Tiêm chủng Anh, nhận định, ngày 4/1.
Ông cũng lưu ý cần nhắm mục tiêu vào người dễ tổn thương thay vì tiêm đại trà cho tất cả người từ 12 tuổi trở lên. Theo ông, các nước nên thu thập thêm dữ liệu để xác định "liệu nhóm đối tượng này có cần tiêm bổ sung hay không, thời điểm và tần suất tiêm ra sao".
Giáo sư Pollard nhận định cần có thêm bằng chứng trước khi quyết định tiêm liều vaccine thứ 4 tại Anh. Nước này đang triển khai liều ba cho người khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên và người trên 16 tuổi có bệnh nền.
Trong cuộc phỏng vấn cùng ngày, ông chỉ ra chương trình tiêm chủng toàn thế giới đang không đồng đều. "Hiện chưa đến 10% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm liều đầu tiên. Vì vậy, ý tưởng về liều thứ 4 toàn cầu là bất hợp lý", ông nói.
Trước đó, Israel đã bắt đầu triển khai liều thứ 4 cho toàn bộ nhân viên y tế và người từ 60 tuổi trở lên. Hồi cuối tháng 12/2021, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach cho biết nước này có thể xem xét chiến lược tương tự.
Song ông Pollard cho rằng điều tồi tệ nhất của đại dịch đã nằm lại phía sau, thế giới "chỉ cần vượt qua mùa đông" để tiến đến trạng thái bình thường mới.
"Đến một lúc nào đó, xã hội sẽ phải thích nghi. Khi mở cửa lại nền kinh tế, chúng ta sẽ ghi nhận một số đợt bùng phát. Mùa đông có thể hơi khó khăn", ông nói.
Tại Mỹ, tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cho biết còn quá sớm để thảo luận về ý tưởng tiêm đại trà liều vaccine thứ 4.
"Một trong những yếu tố cần theo dõi cẩn thận là độ bền miễn dịch sau liều vaccine mRNA thứ ba, Moderna và Pfizer", ông nói. "Nếu độ bảo vệ bền hơn so với liệu trình hai liều, không cần tiêm tăng cường. Chúng ta sẽ sống bình thường một thời gian dài mà chưa cần đến liều thứ tư. Vì vậy, còn quá sớm, ít nhất là về phía Mỹ, để bàn bạc về chiến lược này".