Người Thầy giáo trẻ truyền đam mê nghề thiết kế đồ họa

Huyền Văn
Chia sẻ về thành tích cao nhất tại hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, thầy giáo trẻ Đoàn Đức Phúc, giảng viên trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội khẳng định: “Đó chính là đam mê. Bản thân mình đam mê thì sẽ truyền được ngọn lửa đó cho các học sinh, sinh viên - những thế hệ kế tiếp một cách hay nhất, đầy đủ nhất”.

Giờ học chất lượng là món quà mang đến lớp hằng ngày

Năm 2014, thầy giáo Đoàn Đức Phúc vào công tác tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. 35 tuổi, dù còn khá trẻ về tuổi nghề nhưng vì được làm công việc yêu thích nên được nhận xét là một người thầy rất tâm huyết.

Tại hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2021, với bài giảng “Tạo hình bằng công cụ Shapw Builder” hướng đến ứng dụng công cụ vào việc tạo hình ra các biểu tượng, logo một cách chính xác, đạt thẩm mỹ, thầy Đoàn Đức Phúc vinh dự là nhà giáo duy nhất của trường đạt giải Nhất.

Thầy Đoàn Đức Phúc cho biết, kết quả này ngoài sự mong đợi của bản thân. Bởi đây là cuộc thi uy tín, rất khắt khe về tiêu chuẩn chuyên môn, thí sinh dự thi hầu hết là những thầy cô giáo có thâm niên. Thầy Phúc tham dự cuộc thi này với mong muốn được trải nghiệm, học hỏi và hơn cả là vượt qua chính mình.

Qua lần này có thể thấy, để đạt giải trong hội giảng giáo dục nghề nghiệp là đem đến những kiến thức cơ bản nhất nhưng lại là những kiến thức sát với nghề nghiệp để học sinh, sinh viên có thể ứng dụng vào công việc sau khi tốt nghiệp.

Khi tham gia hội giảng, kinh nghiệm thu được nhiều nhất chính là các phương pháp lên lớp, xây dựng bài giảng sao cho sự tương tác giữa giảng viên và học sinh, sinh viên đạt mức tối đa, hạn chế được các cách giảng dạy một chiều, phát huy được việc lấy người học làm trung tâm.

Để có được bài giảng lôi cuốn người học, trước khi lên lớp, thầy Phúc luôn dành nhiều thời gian, tâm sức chuẩn bị bài một cách kỹ càng, sao cho kiến thức giảng dạy phù hợp với thực tế; Đồng thời, sử dụng chính sáng kiến chia sẻ màn hình và thao tác trên màn hình của học sinh, sinh viên, giúp học trò dễ dàng sửa lỗi trong quá trình học tập. Phần mềm sáng kiến này có giao diện đơn giản, dễ sử dụng, đặc biệt hữu dụng trong thời gian học tập trực tuyến do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thầy Phúc chia sẻ: “Đối với tôi, việc đem đến những giờ học chất lượng, trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng cần thiết để vững vàng trong cuộc sống, thành công trong công việc chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của người thầy".

nlntv-eb29881c020be7dca056a96a123219ab-1648254484.jpg
Thầy trò tập dượt văn nghệ

Được biết, trong 8 năm công tác tại trường, thầy Phúc tham gia ôn luyện cho sinh viên tham gia các cuộc thi kỹ năng nghề thành phố, quốc gia và đã giành được nhiều giải cao (giải Nhất thành phố và Huy chương Vàng kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia…); Tham gia các hoạt động Đoàn của trường, hỗ trợ các hoạt động của Đoàn Thanh niên khoa (xây dựng các tiết mục văn nghệ của trong khoa tham gia các hội diễn...).

Dùng đam mê để dưỡng đam mê, rút ngắn khoảng cách thầy trò

Với vai trò là Bí thư Liên chi đoàn khoa Công nghệ thông tin, thầy Phúc có nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, góp phần tạo sân chơi lành mạnh, giáo dục kỹ năng sống cho đoàn viên, thanh niên trong nhà trường.

Điểm nổi bật trong các hoạt động này là thầy Phúc thường dành chính đam mê của mình để nuôi dưỡng đam mê cho học sinh.

nlntv-3abaeeb2a9f072ccbc1fea99a3add71c-1648254653.jpg
 

Ở trường nghề, nhiều học sinh học hệ 9+ hoặc sơ cấp, trung cấp, nhất là các em ở khoa Công nghệ thông tin… chưa định hướng được bản thân cần gì và phải làm gì. Tuy nhiên, khi học tại trường, các em được thầy, cô tư vấn rất kỹ, định hướng rõ để xác định ngành cần theo học. Riêng giáo viên bộ môn sẽ giúp các em hứng thú với ngành nghề đang học.

nlntv-3aba43413793e418da4c8ee72e980027-1648254456.jpg
 

Thầy Phúc cho rằng: “Biện pháp hiệu quả giúp học sinh, sinh viên yêu nghề đang học là hướng dẫn các em tìm tòi, nghiên cứu, hiểu và yêu thích ngành mình đã chọn. Khi các em hứng thú với nghề đang học thì con đường tương lai sẽ rộng mở. Có rất nhiều học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp đã tìm được việc làm ổn định với thu nhập cao. Quan trọng là học sinh, sinh viên đừng nghĩ học nghề là một bước lùi trong công việc học hành, bỏ qua các tư duy cũ.

Các em hãy coi học nghề là một ngành học giúp bản thân có thể phát triển và chủ động công việc trong tương lai. Mọi con đường đều dẫn đến thành công, mình không đi đường quốc lộ thì có thể đi đường nhỏ để đến với đích đặt ra”.

nlntv-a41ae773c0bf67e8e2a3041ef6d08e93-1648254570.jpgThầy Đoàn Đức Phúc cùng các đồng nghiệp

Riêng đối với môn thiết kế đồ hoạ, đòi hỏi giảng viên phải là người có tiếp xúc thực tế, va chạm môi trường làm việc bên ngoài nhiều để hiểu và truyền dạy cho học sinh, sinh viên; Còn học sinh, sinh viên cần thật sự yêu nghề, chịu khó và chăm chỉ. Vì môi trường và xuất phát điểm của học sinh, sinh viên trường nghề không giống các trường đại học.

Là một trong 36 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2021 do các đơn vị đề cử gửi đến Thành đoàn Hà Nội, thầy Phúc rất vui mừng và khẳng định đó là niềm vui lớn và cũng là động lực để tiếp tục thực hiện tốt công việc được giao. Tuy nhiên, thầy Phúc cho biết, một món quà nữa cũng rất ý nghĩa đó là nhìn thấy học trò của mình có việc làm ổn định, thành công trên con đường học nghề.