Người dân nô nức đi lễ Đền Trần đầu năm

Trong không khí vui xuân đầu năm, rất đông người dân đổ về Đền Trần Nam Định để lễ các vị Vua Trần và Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương.

Khu di tích Đền Trần Nam Định được xếp hạng khu di tích văn hóa quốc gia từ năm 1962. Đến năm 2012 thì Khu di tích Đền Trần - Chùa Tháp được công nhận là khu di tích cấp quốc gia đặc biệt, lễ hội Đền Trần được công nhận là lễ hội di sản văn hoa phi vật thể cấp quốc gia.

Đền Trần được xây dựng từ những năm 1695 trên nền tiên miếu và hành cung - thiên trường cũ của nhà Trần, Nơi đây là nơi thờ các vua của triều Trần, vương phi vương hậu, hoàng tử, công chúa triều Trần và đức thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng các vị Văn Quan, Võ Tướng có công trong triều đại nhà Trần.

Đền Trần bao gồm 3 công trình kiến trúc chính đó là đền Thiên Trường hay còn gọi là đền Thượng là nơi thờ các Vị Vua, Vương Phi, Vương Hậu, Hoàng tử, Công chúa nhà Trần cùng các vị Quan lại, tướng lĩnh có công với nhà Trần,

Đền Cố Trạch theo các tư liệu lịch sử là nơi sinh ra Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn hay còn gọi đền Hạ là nơi thờ chính Đức Thánh Trần cùng gia quyến và các gia tướng.

Đền Trùng Hoa trước đây là nơi các vị hoàng đế nhà Trần về ra mắt các vị Thái Thượng Hoàng ở đây có đặt tượng đồng của 14 vị vua Nhà Trần.

Năm nay được mở rộng với tổng mức đầu tư lên đến 730 tỷ VND nên có không gian rộng lớn với hồ nước rất lớn phía trước đền và không gian giao thông rất rộng giúp cho người dân thập phương về lễ hội trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
 
Phía trước đền được đầu tư xây dựng rất rộng với không gian giao thông thoáng đãng và 1 hồ nước rất đẹp và rộng lớn. Không gian này giúp người dân về dự lễ hội có không gian dạo chơi và chụp các bức ảnh kỷ niệm.
 
Hàng năm vào dịp tết nguyên đán hay mùa lễ hội người dân thập phương về lễ tại đền Trần Nam Định rất đông.

Phóng viên Tạp chí Nhân lực Nhân tài Việt có cuộc phỏng vấn Cô giáo Trần Thị Chính Hà, giáo viên tại Nam Định 

PV: Chào chị Hà, chị có thể cho biết về cảm xúc của mình khi đi lễ Đền Trần đầu xuân?

Chị Hà: Hàng năm vào dịp tết nguyên đán gia đình tôi thường đi lễ Đền Trần. Trước tiên để tưởng nhớ về một triều đại huy hoàng thịnh trị với niềm tự hào sâu sắc rằng mình là con cháu của một dân tộc anh hùng. Mỗi khi đến đây, trong lòng tôi lại dâng lên một cảm xúc thiêng liêng tự hào về truyền thống cha ông để khi ra về lại cảm thấy trong lòng thanh thản cho một năm mới với niềm tin cho một năm mới hạnh phúc và may mắn.

PV: Chị có thể chia sẻ khi đến đền Trần chị thường cầu mong điều gì không?

Chị Hà: Có chứ, tôi thường cầu cho quốc thái dân an, xin cho một năm mới an bình, hạnh phúc. Trình bày cùng các vị vua và đức Thánh Trần về những dự định trong năm mới của gia đình và cầu mong các vị phù hộ độ trì cho những ước muốn của gia đình và cá nhân được thành công.

PV: Cảm ơn Chị.

nlntv-co-giao-ha-di-le-den-tran-1674661777.jpg
Cô giáo Trần Thị Chính Hà cùng gia đình đi lễ Đền Trần đầu Xuân.

Tại đền Trần ngoài khu vực đền người dân còn đi lễ tại khu vực chùa Tháp với tháp cổ Phổ Minh và khu vực tượng đài Đức Thánh Trần tại hồ Vị Hoàng.

nlntv-den-tran-1674661975.jpg
Tượng đài Đức Thánh Trần tại khu vực Hồ Vị Hoàng
nlntv-2-1674662078.jpg
Khuôn viên Đền Trần được tu sửa rất đẹp
nlntv-anh3-1674662065.jpg
Toàn cảnh Đền Trần

Hàng năm đền Trần thường mở hội đón khách vào hai dịp: một là Tết Nguyên Đán từ những ngày trước tết đến hết tháng giêng với tâm điểm là lễ hội khai ấn đầu xuân vào tối ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng giêng âm lịch. Và hai là vào tháng 8 âm lịch từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/8 để tưởng nhớ ngày mất của Đức Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vào ngày 20/8 âm lịch.

Đi lễ đầu xuân để cầu mong cho một năm mới bình an, hạnh phúc và thành công với những dự định mới cho gia đình và bản thân là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Đi lễ đền Trần không chỉ là cầu mong những điều tốt đẹp mà còn thể hiện sự tôn kính với các bậc tiền nhân và thể hiện niềm tự hào với lịch sử hào hùng của dân tộc. Nét đẹp này cần được duy trì và phát triển cho các thế hệ tiếp nối để mỗi người Việt Nam dù đi bất cứ đâu cùng nhớ về cội nguồn với niềm tự hào sâu sắc.

Trần Trọng Hào, Ngọc Hào