Người dân nên làm gì nếu không may nhiễm Covid-19?

Lương Đàm
Trong bối cảnh các ca F0 liên tục tăng nhanh, nhất là tại Hà Nội, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành F0 nếu không biết tự bảo vệ bản thân. Một câu hỏi đặt ra đó là “Nếu không may nhiễm Covid-19 người dân nên là gì và không nên làm gì?”.

Theo các chuyên gia, khi một người trong nhà đã có xét nghiệm xác nhận dương tính, việc đầu tiên cần làm là làm test Covid-19 cho tất cả mọi người trong gia đình.

Tiếp theo là chuẩn bị một phòng cách ly cho F0. Trong gia đình, chỉ cần một người chăm sóc cho F0, còn các thành viên còn lại nên được cách ly riêng rẽ với nhau, ngay cả các bữa ăn cũng nên tránh ăn cùng nhau. Các F1 chăm sóc người bệnh luôn cần ý thức tránh để mình bị lây bệnh, vì trong tình huống hiện nay họ chính là chỗ dựa cho những người khác (như con cái, cha mẹ già…).

f0-tang-vot-ha-noi-lap-to-ho-tro-theo-doi-f0-tai-nha-1640314678.jpg

F0 tăng vọt, Hà Nội lập tổ hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà

Theo ThS, BS Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam: Dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội có diễn biến phức tạp nên bất cứ ai đều có thể trở thành F0 bất cứ lúc nào nếu không biết tự bảo vệ chính mình. Vì lẽ đó, người dân không nên hoảng hốt mà hãy thực hiện đúng theo hướng dẫn mới nhất của Sở Y tế Hà Nội.

Cụ thể, với các bệnh nhân điều trị tại nhà không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly. Không sử dụng chung vật dụng với người khác. Không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.

Trường hợp cần có người hỗ trợ, chăm sóc, người đó phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc. Bên cạnh đó, ngoài việc uống thuốc, đảm bảo chế độ dinh dưỡng khoa học, người bệnh nên vận động nâng cao sức khỏe... để giúp cơ thể nhanh chiến thắng Covid-19.

Còn theo TS, BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch Thành phố Hồ Chí Minh, khi nhiễm Covid-19, các F0 cần uống đủ nước và đảm bảo dinh dưỡng. F0 nên uống nước ấm nhiều lần trong ngày, ngày tối thiểu 2 lít nước, nếu có sốt thì cứ tăng 1 độ cộng thêm 200ml (500ml nếu nhiệt độ môi trường cao, trời nóng).

Về chế độ ăn, người bệnh nên ăn cháo loãng, nấu chín kỹ và mềm nhừ để có thể húp, nuốt mà không cần nhai; không nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm (thịt cá tôm cua…) trong thời gian bệnh nhân đang mệt, khó thở, ho nhiều…

nguoi-nhiem-covid-19-nen-duoc-nam-o-nhung-noi-thoang-khi-1640314678.jpg

Người nhiễm Covid-19 nên được nằm ở những nơi thoáng khí

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người bệnh nên ngủ càng nhiều càng tốt. Khi ngủ, người bệnh cần nằm đầu cao 45 độ (lót từ mông trở lên), ở nơi thoáng khí như gần cửa sổ, lan can. Nếu mệt, khó thở nhiều hơn, người bệnh nên nằm sấp hoặc khi ngủ không nằm đầu cao được thì nằm nghiêng và úp chân từ hông xuống, đầu vẫn ở tư thế nằm nghiêng.

Ngoài ra, người bệnh cần giữ vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý 0,9% để làm đường thở thông thoáng nhất có thể, không có nhầy đàm gây cản trở không khí vào ra; đảm bảo phòng ở, nhà ở luôn thông thoáng.

Đặc biệt, người bệnh không nên sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác; không để luồng khí thổi từ phòng người nhiễm vào không gian chung; rửa tay thường xuyên. Tất cả đồ đạc, quần áo, vật dụng mà F0 sử dụng đều để riêng và ngâm xà phòng ít nhất 30 phút trước khi làm vệ sinh.

Về các phương pháp xử trí khi trở thành F0 có những triệu chứng đơn giản như sốt, ho. Đối với người lớn: Nếu sốt > 38.5°C hoặc đau đầu, đau người nhiều, cần uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên; uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

Đối với trẻ em: Nếu sốt > 38.5°C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 lần. Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý người nhiễm Covid-19 tại nhà để xử lý.

Nếu xuất hiện triệu chứng ho, người bệnh nên uống thuốc giảm ho và có thể dùng thêm vitamin theo đơn thuốc của bác sĩ.

Trong trường hợp, người bệnh xuất hiện các triệu chứng như: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường; nhịp thở tăng: Các chỉ số sinh tồn khác bất thường (chỉ số bão hòa oxy máu giảm; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút; huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật; tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân; không thể uống. Trẻ em bú kém/giảm, ăn kém, nôn; trẻ có biểu hiện: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ, ngón tay chân sưng phù nổi ban đỏ, nốt hoặc mảng xuất huyết… phải báo ngay cho nhân viên y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.