Chúng ta đang sống ở thời đại công nghệ 4.0 với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Đi song song với sự phát triển của công nghệ thì tội phạm công nghệ cao cũng ngày một đa dạng và lộng hành hơn. Tội phạm thực hiện các hành vi phạm tội của mình với các mục đích khác nhau làm ảnh hưởng đến xã hội, cuộc sống của nhiều người.
Theo Nghị định 25/2014/NĐ-CP quy định về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao. Theo đó, tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự có sử dụng công nghệ cao. Tội phạm công nghệ cao là loại tội phạm sử dụng internet, mạng viễn thông, mạng máy tính và các thiết bị số để thực hiện hành vi phạm tội gây ảnh hưởng và thiệt hại đến người dùng, thực hiện các hành vi lừa đảo gây ra các mối đe dọa,...
Tội phạm công nghệ cao là tội phạm sử dụng tri thức, ký năng, kiến thức, công cụ và phương tiện công nghệ thông tin để tác động đến các thông tin, dữ liệu, tín hiệu được lưu trữ, xử lý, truyền tải trong hệ thống mạng máy tính, xâm phạm đến trạt tự an toàn thông tin, gây tổn thất đến lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Tội phạm công nghệ cao thuộc nhóm tội phạm hình sự.
Buổi họp báo chiều ngày 5/10 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm là buổi họp báo thường kỳ đầu tiên của Bộ TT&TT có mời đại diện các đơn vị bên ngoài Bộ tham gia trao đổi, cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí.
Tại cuộc họp báo, đại diện Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao A05, Bộ Công an nhấn mạnh: Tội phạm công nghệ cao đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi và khó nhận biết. Các hoạt động lừa đảo, xâm hại đến quyền riêng tư xảy ra với nhiều người, đặc biệt là những người dân vùng nông thôn có điều kiện kinh tế khó khăn và người lớn tuổi.
Nhận định tội phạm công nghệ cao thời gian vừa qua vẫn tiếp tục gia tăng, đại diện A05 cũng chỉ ra những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới nổi lên như tội phạm sử dụng công nghệ Deepfake để thực hiện hành vi lừa đảo; sử dụng các thiết bị tương tự trạm BTS của các nhà mạng hoặc dùng các phần mềm để phát tán tin nhắn có nội dung lừa đảo, lôi kéo đánh bạc; tổ chức đánh bạc và đánh bạc với số tiền lớn; mua bán thông tin tài khoản ngân hàng để phục vụ mục đích trái pháp luật; hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh, vay ngân hàng trên các nền tảng di động và qua mạng; hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân...
Nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm công nghệ cao đã được lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan chú trọng triển khai. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trên toàn quốc qua nhiều kênh và dưới nhiều hình thức, các đơn vị của Bộ Công an cùng Công an các địa phương cũng đã chủ động nắm tình hình, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh.
Đồng thời Công an cũng tổ chức tốt các công tác giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc lợi dụng không gian mạng để hoạt động vi phạm pháp luật.
8 khuyến cáo giúp người dân tránh ‘bẫy’ tội phạm công nghệ cao
Hoạt động tội phạm công nghệ cao hiện vẫn diễn biến phức tạp, do các đối tượng lợi dụng những thế mạnh của CNTT như tính mã hóa, tính bảo mật, tính xuyên biên giới để dễ dàng thực hiện các hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an còn phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp ngăn chặn các hoạt động thanh toán liên quan đến những hành vi vi phạm pháp luật nói chung và lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng. Sử dụng kết hợp nhiều biện pháp nghiệp vụ, tăng cường phối hợp với lực lượng cảnh sát quốc tế để có thể điều tra, bóc gỡ nhiều đường dây tội phạm.
Đại diện A05 còn nêu ra 8 khuyến cáo để giúp người dân phòng tránh lừa đảo trực tuyến, trong đó có việc nâng cao cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi điện thoại cố định mà người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo yêu cầu cung cấp qua điện thoại thông tin phục vụ điều tra.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các trang, tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch của người đó; không nhấp vào đường link hoặc mở các tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.
Cần đặc biệt kiểm tra thông tin, xác minh lại thông tin khi thực hiện các giao dịch trực tuyến cũng là một thao tác mà người dân cần lưu ý, bởi lẽ các website chính thức của tổ chức, doanh nghiệp sẽ đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn như dùng giao thức “https”.
Tuyệt đối không được cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết.
Thông báo kịp thời cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết.
Pháp luật có đưa ra hình phạt đối với hành vi phạm tội của tội phạm công nghệ cao. Tùy thuộc vào mức độ hành vi và hậu quả của việc phạm tội mà mức phạt sẽ khác nhau. Hình phạt thấp nhất là 20.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ 02 năm. Hình phạt nặng nhất đó là xử phạt lên đến 1.000.000.000 đồng và phạt tù đến 07 năm.