Trong quá trình công tác, chị là người có tinh thần trách nhiệm cao, lòng say mê, sự nhiệt tình và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Là người say mê công tác nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Vân đã chủ trì và tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, như: 1 đề tài nhánh cấp nhà nước, 5 đề tài cấp tỉnh, một số đề tài cấp cơ sở cùng nhiều bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí có uy tín trong nước.
Tâm huyết với việc chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, nhằm góp phần xây dựng định hướng, kế hoạch cụ thể để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cộng đồng các dân tộc thiểu số, năm 2015 -2017, chị cùng nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài "Thực trạng sức khỏe cộng đồng người dân tộc thiểu số tại địa bàn khó khăn của tỉnh Đắk Nông". Trong đề tài này, nhóm đã đi sâu nghiên cứu về thực trạng sức khỏe của người dân tộc Châu Mạ, M’Nông, Ê Đê, Nùng và H’Mông ở tỉnh Đăk Nông, như: cơ cấu bệnh tật; tiêm chủng ở trẻ dưới 5 tuổi; chăm sóc sức khỏe sinh sản ở phụ nữ 15-49 tuổi có chồng; công trình vệ sinh ở người dân tộc thiểu số và một số hoạt động khám, chữa bệnh tại trạm y tế ở vùng khó khăn...
Từ kết quả của đề tài, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số nội dung liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe sinh sản như: bảo đảm chế độ chính sách thu hút bác sỹ về công tác lâu dài ở vùng sâu, vùng xa; tăng cường vai trò của đội ngũ cán bộ y tế, cô đỡ thôn bản; nâng cao kiến thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân, đặc biệt là người dân tộc H’Mông; giáo dục sức khỏe sinh sản vị thành niên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu chăm sóc điều trị, cấp cứu sản phụ và trẻ em, trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, đối với các công trình vệ sinh, hướng tới công tác truyền thông thay đổi hành vi về nước sạch, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phù hợp với các điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương... Những điều này có ý nghĩa to lớn trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các dân tộc thiểu số.
Bên cạnh công tác nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Ngô Thị Hải Vân còn tham mưu việc chỉ đạo các hoạt động chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động và hoạt động kiểm soát bệnh không lây nhiễm tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Hàng năm, chị và các đồng nghiệp đã giám sát, hỗ trợ cho nhiều Trung tâm y tế về công tác quản lý vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho nhân viên y tế; giám sát hỗ trợ các cơ sở lao động có yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Đồng thời, chị và các đồng nghiệp đã triển khai khám sức khỏe phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp cho nhiều cơ cơ sở lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm. Năm 2022, đã có hơn 3.500 người lao động được khám phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, trong đó phát hiện nhiều trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, trong giai đoạn dịch COVID-19, đơn vị đã triển khai đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 tại nơi làm việc cho người lao động tại các doanh nghiệp thuộc 5 tỉnh Tây Nguyên...
Đối với hoạt động kiểm soát bệnh không lây, chị đã hoàn thành tốt việc chỉ đạo tuyến, giám sát, hỗ trợ cán bộ tuyến cơ sở 5 tỉnh Tây Nguyên về nâng cao năng lực trong dự phòng, quản lý, điều trị và thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm. Từ năm 2019, với sự hỗ trợ của Chương trình Hợp tác Bộ Y tế với Tổ chức Y tế thế giới đã thí điểm mô hình quản lý, điều trị và thống kê báo cáo bệnh không lây nhiễm tại 1 xã thuộc tỉnh Kon Tum, 1 xã thuộc tỉnh Lâm Đồng. Đến nay đã duy trì và mở rộng mô hình này tại hơn 300 xã của 5 tỉnh Tây Nguyên, các xã còn lại dự kiến sẽ tiếp tục được hỗ trợ trong thời gian tới.
Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chị đã tham gia Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế, trong đó Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên có 11 cán bộ được phân công hỗ trợ tỉnh Tây Ninh, do Tiến sỹ, Bác sỹ Bùi Khánh Toàn - Phó Viện trưởng làm trưởng đoàn.
Tiến sỹ Ngô Thị Hải Vân cho biết: Đoàn đến Tây Ninh vào thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng lên từng ngày. Đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng phòng, chống dịch tại địa phương, nhanh chóng tiếp cận, chia các nhóm nhỏ để hỗ trợ địa phương với các hoạt động như: hỗ trợ tại các phòng xét nghiệm; tập huấn truy vết; khảo sát, hỗ trợ tại các khu điều trị F0, khu cách ly F1, các khu xét nghiệm sàng lọc; hỗ trợ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trong phòng, chống dịch và thực hiện "3 tại chỗ". Khi đêm về, Tổ công tác tổng hợp số liệu báo cáo Bộ Y tế và hỗ trợ địa phương phân tích tình hình dịch để có kế hoạch chống dịch phù hợp.
"Trong thời gian tham gia chống dịch tại Tây Ninh, chúng tôi nhận được rất nhiều sự quan tâm từ lãnh đạo đơn vị, đồng nghiệp, gia đình và bạn bè. Đôi lúc, chúng tôi có chút lo lắng nhưng không phải vì sợ lây nhiễm bệnh mà vì công việc, trách nhiệm được giao và sự tin tưởng của địa phương đối với chúng tôi quá nhiều, ở nơi đây chúng tôi cảm thấy được trân trọng. Sau gần 2 tháng nỗ lực cùng với địa phương chúng tôi trở về trong lúc tình hình dịch bệnh ở Tây Ninh đã được kiểm soát, nhiều địa phương trong tỉnh dỡ bỏ lệnh phong tỏa, cách ly, người dân đã được an toàn và nhịp sống đang dần trở lại bình thường. Trong suốt 14 năm làm công tác y tế dự phòng đây cũng là kỷ niệm ấn tượng và sâu sắc nhất đối với tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc vì được góp một phần công sức nhỏ bé của mình cùng các đồng nghiệp trong giai đoạn khó khăn, đầy thử thách và cam go đối với đội ngũ thầy thuốc ", Tiến sỹ Vân chia sẻ.
Với những thành tích trong quá trình công tác, cùng với sự nỗ lực, cống hiến của mình, năm 2021, Tiến sỹ Ngô Thị Hải Vân đã được Công đoàn Y tế Việt Nam vinh danh nữ chiến sỹ áo trắng tiêu biểu trong phòng, chống dịch COVID-19. Năm 2023, chị là một trong 51 người được vinh danh tại Lễ tôn vinh nữ trí thức tiêu biểu ngành Y giai đoạn 2019-2023.