Nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng và những bất cập

Huyền Văn
Mới đây, chuyện nghệ sĩ quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra khi thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, bổ sung. Bởi vì thời gian qua, tình trạng này rất phổ biến và đã ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng. 
nlntv-nhieu-thuc-pham-chuc-nang-bi-quang-cao-sai-cong-dung-anh-minh-hoa-tu-bao-suc-khoe-va-doi-song-1667814506.PNG
Nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo sai công dụng - Ảnh: báo Sức khỏe và Đời sống.

Hoạt động quảng cáo được xem là nghề tay trái hái ra tiền của nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng. Vì đó là những người đã được công chúng biết đến nên các sản phẩm quảng cáo có sự ảnh hưởng rộng hơn, sản phẩm bán chạy hơn và lợi nhuận cũng cao hơn. Thậm chí, có một số nghệ sĩ chạy quảng cáo còn nhiều hơn chạy sự kiện nghệ thuật.

Tuy nhiên, tai nạn trong việc quảng cáo các sản phẩm theo hợp đồng đối với nghệ sĩ cũng không hiếm. Ngay cả những nghệ sĩ gạo cội như NSND Hồng Vân và Quyền Linh còn gặp phải vấn đề này và đã đăng tải lời xin lỗi. Nghệ sĩ Hồng Vân từng lên tiếng: "Vân xin cúi đầu nhận lỗi vì đã thiếu sót trong việc kiểm tra độ uy tín và cách thức bán hàng của sản phẩm mình quảng cáo. Là một nghệ sĩ nhận được nhiều tình cảm và sự ủng hộ, tin tưởng của công chúng, Vân vô cùng hối tiếc khi không ý thức được hết trách nhiệm của mình. Vân xin lỗi vì đã làm việc thiếu thận trọng".

Nghệ sĩ Quyền Linh cũng rất chân thành: "Tôi đã thiếu tiết chế khi giới thiệu sản phẩm điều trị tốt gấp hơn 70 lần so với curcumin bình thường. Vụ việc quảng cáo vừa qua là bài học sâu sắc với tôi sau hơn 20 năm làm nghệ thuật".

Đó là 2 nghệ sĩ ý thức rõ trách nhiệm của bản thân trong sự cố về quảng cáo nên đã đăng bài xin lỗi chân thành nhằm hạn chế hậu quả. Còn nhiều nghệ sĩ khác khi quảng cáo sản phẩm thái quá hoặc không đúng sự thật đã im lặng, mặc kệ những tác động tiêu cực đến cộng đồng.

Thực phẩm chức năng, thuốc là những sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, việc quảng cáo sai sự thật về công dụng, chất lượng,... của những sản phẩm đó là vi phạm hết sức nghiêm trọng. Trước đó, vì nghe theo quảng cáo hay ho trên mạng, nhiều người đã mua và sử dụng các sản phẩm đó nên đã gánh chịu hậu quả “tiền mất, tật mang”. Thời gian qua, có rất nhiều trường hợp người dân phải nhập viện cấp cứu do dùng thực phẩm chức năng được quảng cáo giảm cân, tăng cường sinh lý,... Đó chỉ là hậu quả trước mắt, còn hậu quả tiềm ẩn của việc dùng những sản phẩm kém chất lượng, không đúng công dụng và không rõ nguồn gốc xuất xứ thì không thể lường được.

nlntv-dai-bieu-ban-ve-du-an-luat-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-sua-doi-bo-sung-nguon-anh-bao-phap-luat-viet-nam-1667814649.jpg
Đại biểu bàn về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, bổ sung (Ảnh: Báo Pháp luật Việt Nam)

Dù tình trạng nghệ sĩ vi phạm quảng cáo rất phổ biến nhưng công tác xử lý của cơ quan chức năng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn và dường như chế tài xử phạt sai phạm đó vẫn chưa đủ sức răn đe. Trước đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo được áp dụng theo quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP. Trong đó khoản 5, Điều 51 quy định phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ,... Đó là quy định được áp dụng với mọi công dân.

Tuy nhiên, quảng cáo của người nổi tiếng có sự ảnh hưởng mạnh hơn với công chúng nên trong các thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng cần có quy định xử phạt nghệ sĩ sai phạm trong quảng cáo nặng hơn người bình thường. Vấn đề bức thiết là phải luật hóa các quy định, các chế tài xử lý cụ thể. Đặc biệt là các quy định ràng buộc trách nhiệm của các cá nhân tham gia vào quảng cáo. Người nổi tiếng dùng uy tín cá nhân quảng cáo như một thương hiệu nên đóng vai trò quan trọng, nghiêm trọng hơn việc người bình thường quảng cáo sai. Chứ hiện nay, trách nhiệm đang quy vào đơn vị kiểm duyệt và phát quảng cáo, chứ người nổi tiếng tham gia vào quảng cáo thì lại không bị xử lý. Đó là sự bất cập cần được giải quyết.

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy, việc nghệ sĩ vi phạm trong quảng cáo không chỉ là câu chuyện ở nước ta mà còn là vấn đề của nhiều quốc gia khác nhưng các quốc gia đó xử lý “mạnh tay” hơn. Đơn cử tại Trung Quốc, đã có hai nữ diễn viên bị kết án tù do bán thực phẩm chức năng giảm cân chưa được đăng ký trên WeChat. Còn Ấn Độ, họ nghiêm cấm người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai lệch sản phẩm dưới bất kỳ hình thức nào với mức phạt lên đến hàng trăm nghìn đô la Mỹ. Một số nước hiện nay như Hàn Quốc họ cấm luôn nghệ sĩ hay bất cứ ai quảng cáo thực phẩm trên mạng xã hội vì không có các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các việc đó.

Theo bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế): Nước ta có thể học hỏi các bài học của các nước để tìm ra biện pháp phù hợp nhất. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu các đại lý quảng cáo làm việc cùng với các cơ quan chức năng. Ví dụ quảng cáo về thực phẩm thì làm việc với Cục An toàn thực phẩm chúng tôi và yêu cầu những đơn vị đó phải có biện pháp để lọc những quảng cáo nào đang vi phạm để không được phát hành. Tuy nhiên, có những tên miền không đăng ký tại Việt Nam, sử dụng máy chủ tại nước ngoài và chúng tôi không tìm được chủ tài khoản đó. Với những trường hợp như thế, Cục An toàn thực phẩm luôn có những cảnh báo với người tiêu dùng trên website của Cục về các sản phẩm đang được quảng cáo cụ thể trên tên miền nào? Tên sản phẩm là gì và đang xử lý vi phạm, đề nghị người tiêu dùng không mua và không lựa chọn những sản phẩm như vậy. Bà Trần Việt Nga khẳng định: "Chúng tôi cũng đã có những đề xuất với Bộ Thông tin và Truyền thông bởi vì việc đăng ký tên miền ở Việt Nam quá dễ dàng, lại cho phép đăng ký ẩn danh trong một số trường hợp, cho nên việc xác định chủ thể của quảng cáo đấy còn đang khó khăn. Ngoài ra, xác định được chủ thể quảng cáo rồi thì việc xử lý người đại diện, đặc biệt là nghệ sĩ quảng cáo sai phạm cũng rất quan trọng. Điều này cần được bàn bạn kỹ và sớm có sự thống nhất".

Ngoài những quy định của pháp luật, một số chuyên gia cho rằng, sự cẩn trọng của nghệ sĩ khi nhận hợp đồng quảng cáo cũng rất quan trọng. Việc nghệ sĩ ký hợp đồng với các nhãn hàng, doanh nghiệp để quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tham gia vào thị trường quảng cáo, nghệ sĩ cần tìm hiểu các quy định pháp luật. Ngoài ra, nghệ sĩ, người nổi tiếng chỉ nên nhận quảng cáo trên các kênh truyền thông chính thống, có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan truyền thông, có bộ phận hỗ trợ pháp lý để kiểm tra, rà soát điều kiện quảng cáo. Thực hiện điều này không chỉ vì sức khỏe, tính mạng của cộng đồng mà còn vì uy tín, sự nghiệp của chính nghệ sĩ./.

Mạnh Sáu