Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 23-3-2022 còn được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast tại đây và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.
Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 23-3
Sự kiện trong nước
- Ngày 23-3-1922, tàu “Anbexaro” thuộc loại tàu đi biển dài 85m, rộng 12m, trọng tải 3.100 tấn đã được xưởng đóng tàu Ba Son (Sài Gòn) đóng xong và hạ thủy cho chạy thử. Đây là chiếc tàu thủy lớn nhất và trang bị khá hiện đại đầu tiên ở Đông Dương.
- Ngày 23-3-1931, Xứ ủy Nam Kỳ và Thành ủy Sài Gòn lãnh đạo 400 công nhân Hãng Xôcôny ở Nhà Bè (Sài Gòn) bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm và chống đánh đập. Thực dân Pháp điều lính đến đàn áp và vấp phải sự chống trả quyết liệt của công nhân. Cuộc đấu tranh này làm chấn động Sài Gòn và cả dư luận ở nước Pháp. Quốc tế Công hội Đỏ đã cử một phái đoàn sang Việt Nam điều tra và đứng ra bào chữa cho các chiến sĩ công nhân bị tòa án thực dân truy tố.
- Ngày 23-3-1973, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cộng hòa Italia quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao ở mức đại sứ đặc mệnh toàn quyền.
- Ngày 23-3-2010, khánh thành Bia tưởng niệm tuyến đường hành lang lịch sử Bắc - Nam tại buôn Bon Kon, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông).
Bia ghi danh những chiến sĩ B90 từ ngoài Bắc vào gặp những chiến sĩ C200 thuộc miền Đông Nam Bộ vào lúc 16 giờ ngày 30-10-1960, đánh dấu sự thông suốt hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và tiền tuyến lớn miền Nam. Sau khi thông tuyến đã góp phần đưa hàng vạn thanh niên từ miền Nam ra miền Bắc học tập và trở về chiến đấu giải phóng quê hương, đồng thời đưa hàng vạn thanh niên miền Bắc vào cùng quân và dân miền Nam kháng chiến cứu nước.
(Theo TTXVN, baothainguyen.vn)
Sự kiện quốc tế
- Ngày 23-3-2001, Trạm vũ trụ Hòa Bình chấm dứt sứ mệnh lịch sử.
Trạm vũ trụ Hòa Bình (hay Trạm vũ trụ Mir) là một trong những biểu tượng của thành tựu nghiên cứu vũ trụ của Liên Xô. Đây là trạm nghiên cứu đầu tiên theo kiểu modular được phóng lên vũ trụ, tập trung vào các thí nghiệm khoa học phục vụ mục đích hòa bình và sự phát triển của con người.
Trong suốt 15 năm hoạt động, vượt thời gian tính toán của các kỹ sư thiết kế hơn 10 năm, đã có 23.000 thí nghiệm khoa học, 24 chương trình quốc tế về nghiên cứu khoa học-kỹ thuật được tiến hành trên Trạm vũ trụ Hòa Bình, trong đó hàng nghìn công trình nghiên cứu, phát minh đã và đang được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống con người.
Sau khi chấm dứt hoạt động, Trạm vũ trụ Hòa Bình đã được điều khiển để rơi xuống vùng biển Nam Thái Bình Dương.
- Ngày 23-3-2013, tại trung tâm thành phố Choisy-Le-Roi, diễn ra lễ khánh thành quảng trường mang tên “Hiệp định Paris” và cột “Biểu tượng vì Hòa bình”, do nữ họa sĩ Pháp Đôminicơ Mítxơcôn thiết kế, mang ngôn ngữ điêu khắc hiện đại. Dưới chân cột Biểu tượng là bia đá mang dòng chữ: “Từ năm 1968 đến năm 1973, Choisy-Le-Roi đã đón đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang đàm phán và ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27-1-1973. Choisy-Le-Roi vinh dự được đóng góp cho hòa bình”.
(Theo TTXVN)
Theo dấu chân Người
- Ngày 23-3-1945, tại Côn Minh, Trung Quốc, Bác Hồ lại tiếp xúc với S.Phennơ (Ch.Fenn), sĩ quan tình báo trong đơn vị AGAS (Cơ quan hỗ trợ mặt đất) của không quân Mỹ. Cùng đi còn có Frank Tam, một sĩ quan tình báo gốc Hoa từng hoạt động ở Việt Nam, người được phân công sẽ giữ vai trò liên lạc bằng vô tuyến điện để giữ liên hệ với đại bản doanh cơ quan tình báo chiến lược OSS của Mỹ đặt tại Côn Minh (Trung Quốc).
- Ngày 23-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Giám mục Lê Hữu Từ, nhờ Giám mục giúp Chính phủ chọn cho một vị linh mục để cùng đi với các đại biểu của Chính phủ vào miền Nam Trung Bộ úy lạo đồng bào.
- Ngày 23-3-1949, Báo Cứu Quốc đăng nội dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Oantơ Braigơ (Walter Briggs). Trả lời câu hỏi điều kiện nào thì Việt Nam chấp nhận sự can thiệp của Liên hợp quốc, Bác trả lời: “Độc lập và thống nhất thật sự của Việt Nam”; hỏi “Cụ có phải là một người cộng sản nữa không?”, trả lời: “Tôi luôn luôn là một người yêu nước, tranh đấu cho độc lập và thống nhất thật sự của Tổ quốc tôi”; hỏi: “Việt Nam công khai tuyên bố rằng trong 24 vị trong Chính phủ, 4 vị là cộng sản. Thế thì 4 vị ấy có ảnh hưởng đặc biệt, hay là cũng như các vị khác”, trả lời: “Tất cả các Bộ trưởng Chính phủ Việt Nam đều cộng đồng phụ trách và ảnh hưởng quân bình”; hỏi: “Một khi độc lập đã thành công, về mặt quốc tế, Cụ sẽ đưa Việt Nam đứng với Nga và các nước đồng minh của Nga hay là với dân chủ phương Tây…?”, trả lời: “Một khi đã độc lập, Việt Nam sẽ đứng với tất cả các nước bầu bạn”.
- Ngày 23-3-1953, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tiêu đề: “Giai cấp tiểu tư sản”, ký bút danh Đ.X, đăng Báo Cứu Quốc, số 2299, nêu rõ: Giai cấp tiểu tư sản bao gồm trí thức, các nhà công nghệ, những người làm nghề tự do, công chức... Nói chung họ cũng bị đế quốc và phong kiến áp bức, có học thức, nhạy bén về chính trị, dễ tiếp thu sự giáo dục của cách mạng và dễ đi với cách mạng, là một đồng minh quan trọng của giai cấp công nhân. Tuy nhiên, họ cũng có hạn chế là hay dao động. Giai cấp công nhân phải tuyên truyền, tổ chức, giúp đỡ để họ trở thành một động lực quan trọng của cách mạng.
- Ngày 23-3-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị bàn việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Trong ý kiến phát biểu, Người nhấn mạnh: “Làm kế hoạch phải can đảm nhưng phải cẩn thận, chỉ đạo phải tập trung vào trọng điểm. Cần nói rõ thắng lợi và cả khó khăn để quyết tâm tự lực cánh sinh; dĩ nhiên không quên sự giúp đỡ của bạn. Cần phải chú ý hơn công tác giáo dục tư tưởng và phải nhấn mạnh vấn đề sản xuất. Nông nghiệp ta còn nhiều khó khăn, cố gắng mà chủ động. Ta có người, có đất thì có của. Dân ta rất tốt. Đảng nói gì, họ nghe nấy. Vấn đề đòi hỏi ở ta là phải tổ chức cho tốt, quản lý cho tốt. Hai cuộc vận động làm khẩn trương nhưng không nên vội. Làm ở đâu phải tốt ở đó để làm gương cho chỗ khác, làm sao củng cố các chi bộ cho tốt. Phải có chính sách giải quyết số cán bộ, công nhân già trong các cơ sở sản xuất, cơ quan, đưa lực lượng trẻ vào thì năng suất mới cao. Trung ương phải có ban nghiên cứu: Ai đi trước, ai đi sau. Phải có chính sách hợp tình hợp lý để người già sẵn sàng nhường chỗ cho người trẻ tiến lên...”.
(Theo Sách “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ngày này năm xưa”; “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử” và “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật)
Lời Bác dạy ngày này năm xưa
“Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với chủ nghĩa Mác - Lênin”
Lời nói trên của Bác được trích trong buổi nói chuyện tại Đại hội giáo dục phổ thông toàn quốc vào ngày 23-3-1956, trong thời điểm miền Bắc nước ta vừa bước vào hòa bình, thống nhất, xây dựng nước nhà, công tác giáo dục hết sức khó khăn.
Trong bối cảnh đó, có tư tưởng lo ngại rằng Chủ nghĩa Mác-Lênin bó buộc tư tưởng, bó buộc giáo dục. Bác đã giải thích, làm rõ những tư tưởng lo ngại không đúng về Chủ nghĩa Mác-Lênin, “Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Chủ nghĩa Mác-Lênin soi phương hướng, đường lối cho chúng ta đi. Có phương hướng đúng thì làm việc mới đúng. Hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc, bất kỳ việc to việc nhỏ cũng nhằm mục đích ấy; đó là Chủ nghĩa Mác-Lênin không có gì cao xa. Muốn phát triển giáo dục phải có kế hoạch lâu dài, phải cố gắng, phải quyết tâm thì chiến thắng được mọi khó khăn.
Thực hiện lời nói của Người trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng để hoạch định chủ trương, đường lối lãnh đạo đất nước, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, hết sức phụng sự nhân dân là điều cao quý nhất. Người đã nhiều lần nói, được phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng và cách mạng là cao quý hơn cả… trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Việc xác định rõ vai trò của nhân dân chính là định hướng cho sự phát triển bền vững của Đảng, Nhà nước. Tất cả mọi việc đều hướng tới lợi ích của dân, cho dân và vì dân. Chỉ khi tầng lớp nhân dân có được đời sống thực sự ấm no, hạnh phúc thì đất nước mới có được sức mạnh hùng cường, mới có thể bước tới đài vinh quang. Muốn vậy, mỗi cán bộ, đảng viên công chức phòng chống biểu hiện tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi đều phải quyết tâm hết lòng phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Nếu chúng ta nhận thức đúng sẽ mở đường cho hành động đúng và nếu nhận thức sai sẽ dẫn đến hành động sai.
Là lực lượng vũ trang nhân dân đặt dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ chí Minh: “Nếu không hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, tự kiêu, tự đại, tự tư tự lợi, như thế là trái với Chủ nghĩa Mác-Lênin”, mọi cán bộ, chiến sĩ luôn nhận thức sâu sắc, nêu cao trách nhiệm, giữ vững bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, ra sức thi đua học tập và rèn luyện để trở thành người chiến sĩ xung kích trong mọi công việc, góp phần cùng nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng. Đó là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Dấu ấn Bác Hồ trên Báo Quân đội nhân dân
Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1783 ra ngày 23-3-1966, đăng thư của tướng Nê Uyn, Chủ tịch Hội đồng Cách mạng Liên bang Miến Điện trả lời thư Hồ Chủ tịch.
Trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 2097 ra ngày 23-3-1967, đăng Lời Hồ Chủ tịch với nội dung: “Nhân dân Việt Nam đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh, gian khổ, đã đứng lên kháng chiến và quyết kháng chiến đến khi giành được độc lập, tự do thật sự và hòa bình chân chính”.