Sợi đay, sợi cói đơn sơ, nhưng qua bàn tay khéo léo, tài hoa của những người phụ nữ Bàn Thạch, đã trở thành những chiếc chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu trổ, chiếu bông, chiếu nổi… bền chắc và mịn màng. Mỗi loại có công đoạn xử lý nguyên liệu và cách dệt khác nhau còn nguyên liệu làm chiếu được lấy từ những vùng cói, đay mọc ven sông.
Khác với các làng nghề dệt chiếu khác, thường dệt chiếu trắng rồi in khuôn hoa lá, hình ảnh lên nền chiếu, chiếu hoa ở Bàn Thạch thực sự là một “bức tranh hài hòa về màu sắc” của những “họa sĩ nông dân”. Để hình ảnh, màu sắc sảo và ít phai, phải mất khá nhiều công đoạn. Trước tiên là chọn sợi cói về nhuộm phẩm với đủ loại màu xanh, đỏ, tím, vàng…
Để màu nhuộm chính xác, khó phai thì phải nấu phẩm lên, nhúng từng nắm cói nhỏ vào, tùy theo độ đậm nhạt mà có thể nhúng 2 - 3 lần trở lên. Cói nhuộm phẩm xong phải phơi cho đủ nắng, không quá gắt vì dễ giòn gãy, cũng không quá dịu vì dễ ẩm mốc. Cói dùng để dệt phải ửng màu xanh, dệt xong đem phơi sẽ cho ra màu trắng sáng. Sợi cói dài, không chắp nối thì sẽ cho ra những chiếc chiếu mịn màng. Tùy theo hình dáng hoa văn mà người dệt sẽ điều khiển mặt cửi chạm nổi âm dương, mắc cửi đơn hoặc kép cho phù hợp.
Vài ba năm trở lại đây, khi các loại chiếu trúc, chiếu nhựa hoa của Trung Quốc lan tràn tại Việt Nam, những tưởng làng nghề dệt chiếu cũng dần tàn lụi. Nhưng theo người dân làng thì thị trường của họ vẫn ổn định, có phân khúc rõ ràng.
Nằm chiếu cói dệt thủ công vừa rẻ, vừa bền, vẫn đảm bảo độ thoáng mát. Chỉ mất khoảng 80 - 200 nghìn đồng là đã có được một chiếc chiếu khổ rộng, màu sắc trang nhã, vừa mát vào mùa hè, lại ấm vào mùa đông. Điểm yếu duy nhất của chiếu cói tại làng nghề là khó gập lại nhỏ để đóng vào hộp mang đi xa. Thế nhưng hiện nay người dân đang tìm tòi và cải tiến phần nào.
Làng chiếu Bàn Thạch cũng là một trong những làng nghề đang được Quảng Nam ưu tiên đầu tư khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống gắn kết với du lịch.