Nền thể thao thiếu nhân lực quản trị kinh doanh

Nhiều năm qua, ngành thể dục thể thao ở Việt Nam đã trở thành hoạt động xã hội hóa và về cơ bản thì rất nhiều lĩnh vực như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… đã được các doanh nghiệp đầu tư không ít. Tuy nhiên, cao hơn mức độ xã hội hóa thì thể thao cần phải được coi là một ngành kinh tế.

Thể thao phải có doanh thu

Nhìn vào nền thể thao ở các nước phát triển, rõ ràng đó là một chuỗi hoạt động kinh doanh. Các câu lạc bộ bóng đá hàng đầu thế giới như Real Madrid, Manchester United, Bayern Munchen… hoạt động không khác gì những doanh nghiệp có quy mô lớn. Doanh thu của họ đến từ các nguồn như bán vé, bán áo thi đấu và đồ lưu niệm, quảng cáo, bản quyền truyền hình… và đương nhiên là không thể không nói đến cả việc chuyển nhượng cầu thủ.

dndnnenthethaothieunhanlucquantrikinhdoanhjpeg-1639576160.jpg
Sớm muộn gì thì thể thao ở Việt Nam cũng phải thực sự kinh doanh

Để những câu lạc bộ bóng đá như nói trên có thể hoạt động một cách hiệu quả, ngoài vai trò của “ông bầu” và huấn luyện viên thì vị trí giám đốc điều hành (CEO) là hết sức quan trọng. Để đảm nhiệm cương vị này, các CEO không chỉ là người am tường thể thao mà còn phải có tài quản trị kinh doanh.

Tuy nhiên, ở Việt Nam thì chưa được như vậy. Thực tế là các câu lạc bộ được những “ông bầu” bỏ tiền ra nuôi với những khoản lương, thưởng hậu hĩnh cho cầu thủ và huấn luyện viên. Bởi thế, nếu như các ông bầu mà buông xuôi hoặc vướng vòng lao lý thì đội bóng hầu như nhiều nguy cơ phải giải tán! Nhưng sớm muộn gì thì thể thao ở Việt Nam cũng phải thực sự kinh doanh. Và chỉ khi thực sự kinh doanh thì mới thấy vai trò hết sức quan trọng của các CEO trong thể thao.

Ai có thể làm kinh doanh thể thao?

Về nhu cầu nguồn nhân lực cho việc kinh doanh thể thao tại Việt Nam, một lãnh đạo cao cấp của Hội Khoa học Thể dục thể thao Việt Nam cho rằng, cũng giống như ca nhạc hay một số lĩnh vực nghệ thuật, các bầu sô thường không phải là nghệ sĩ mà chính là những nhà kinh doanh, các doanh nghiệp thể thao cũng cần có các CEO có chuyên môn kinh doanh, hiểu biết về kinh tế thể thao.

Thực tế cho đến nay, ở Việt Nam rất thiếu các chuyên gia về kinh tế thể thao. Mặc dù các trường đại học của ngành thể thao đều có khoa quản lý, nhưng hàm lượng kiến thức về kinh tế cung cấp chưa được bao nhiêu mà chủ yếu mới chỉ là quản lý chuyên môn thể thao. Còn các ông bầu thể thao thì vẫn luôn kỳ vọng sẽ có một ngày nào đó họ không còn phải chi quá nhiều tiền của mình để nuôi quân, mà chính “đứa con cưng” (đội bóng hay câu lạc bộ) của họ phải có khả năng khai thác các nguồn thu, tự sống được như thực tế hoạt động thể thao ở nhiều nước khác.

Lẽ dĩ nhiên, để làm được việc đó thì phải có được nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về kinh tế thể thao. Nắm bắt nhu cầu này, một số trường đại học mà điển hình là trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Hoa Sen ở TPHCM đã chính thức xin phép mở mã ngành kinh tế thể thao kể từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, do mọi thứ còn quá mới mẻ nên việc tuyển sinh không hề đơn giản và sức hút của ngành mới này đối với học sinh tốt nghiệp phổ thông chưa được như mong muốn, cho dù các trường này đã nỗ lực truyền thông.

Dẫu vậy, có một thực tế là sự nghiệp thể thao của các vận động viên thường chỉ gắn với tuổi trẻ của họ. Và khi mãn nghiệp thì không phải ai cũng có thể trở thành huấn luyện viên. Tất nhiên, họ là những người của công chúng và tên tuổi của họ chính là thương hiệu và nếu biết cách khai thác thì chắc chắn là cũng “ra tiền’. Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cách làm rất hay là tổ chức chiêu sinh các tài năng thể thao. Với cách làm này, tên tuổi của các tài năng sẽ gắn liền với thương hiệu của trường. Hơn nữa, chính các ông bầu cũng ủng hộ, thể hiện qua việc họ tài trợ học phí cho những danh thủ mà họ đang sở hữu.

Liệu rằng các tài năng thể thao, sau khi được học hành tử tế về kinh doanh, có thể trở thành những giám đốc điều hành giỏi cho những câu lạc bộ mà họ đã từng gắn bó? Liệu rằng những sinh viên theo học các trường kinh tế khi nhận thức được về thị trường thể thao đang rất cần những bàn tay, khối óc quản trị kinh doanh, sẽ theo đuổi sự nghiệp đầy hấp dẫn này? Câu trả lời chưa thể có ngay lúc này nhưng có thể khẳng định chắc chắn là nền thể thao Việt Nam đang rất cần đội ngũ nhân lực về quản trị kinh doanh mang những đặc thù riêng, và sẽ có một ngày mà vai trò của các CEO trong thể thao cũng quan trọng không kém so với ông bầu và huấn luyện viên.