Mở hướng phát triển mới cho Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ

Đinh Thảo
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế song vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn còn thiếu tư duy liên kết vùng, chậm đổi mới, dẫn đến chưa khai thác được hết tiềm năng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hiệu quả.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, với bờ biển dài, 14 tỉnh, thành phố nằm trong khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có rất nhiều lợi thế phát triển kinh tế gắn liền với biển. Khu vực này cũng đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phóng viên (PV): Thứ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trong bức tranh chung của cả nước?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Kinh tế vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ tăng trưởng bình quân 7,3%/năm giai đoạn 2005-2020, cao hơn mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng năm 2020 (theo giá hiện hành) tăng gấp 9,1 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo; một số ngành kinh tế cơ bản, nhất là các ngành kinh tế biển, các ngành có giá trị gia tăng cao được hình thành và phát triển; du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thu ngân sách tăng khá, một số địa phương đã cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông và đô thị được cải thiện...

Tuy nhiên, phát triển kinh tế-xã hội của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp...

canghoaphatdungquat97740652pm-1675756118.jpg
Xuất khẩu thép qua Cảng Hòa Phát Dung Quất, Quảng Ngãi. Ảnh: NGHI TRẦN

PV: Với lợi thế bờ biển dài gần 1.800km, chiếm hơn 55% bờ biển của cả nước, nhiều nhà kinh tế cho rằng, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ cần tập trung các giải pháp về kinh tế biển. Thứ trưởng nhìn nhận ra sao về vấn đề này?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Đúng vậy, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Không chỉ có thế mạnh về du lịch biển, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có thế mạnh phát triển các khu kinh tế ven biển; những ngành liên quan đến kinh tế biển như: Khai thác dầu khí, hàng hải, nuôi trồng thủy hải sản, các dự án công nghiệp ven biển, năng lượng tái tạo...

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn của cả nước với các khu kinh tế ven biển và hệ thống đô thị ven biển đạt chuẩn quốc gia và khu vực.... Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực Châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.

PV: Được biết, Chính phủ đã khẩn trương ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29-12-2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Vậy Chương trình hành động của Chính phủ sẽ có những giải pháp gì nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 26-NQ/TW, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Quá trình nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết số 26-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ ra những thành tựu và các tồn tại, hạn chế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Để khắc phục những hạn chế, yếu kém này, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW đã định hướng giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là: Quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu... Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể, 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình, thời gian cụ thể.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin rằng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW sẽ tạo đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương; phát huy được vị trí, vai trò, tiềm năng, lợi thế của vùng và các địa phương trong vùng nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng?

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Trong đó có 3 tiểu vùng là: Bắc Trung Bộ (gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị); vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định); vùng Nam Trung Bộ (gồm: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận).